Nhiều vấn đề đặt ra đến mức không đủ thời gian để các đại biểu Quốc hội có thể đưa ra chất vấn như đã đăng ký.
Đấu giá tài sản trực tuyến để tránh "quân xanh, quân đỏ"
Trả lời các ý kiến đại biểu về vấn đề tồn tại, hạn chế, bất cập trong đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết sắp tới sẽ sửa Luật Đấu giá tài sản và dự kiến ngày 16-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này. Ông Long thừa nhận "tình trạng quân xanh, quân đỏ là có song tất nhiên chỉ là ngoại lệ".
Bộ trưởng nhìn nhận trong thời gian qua có tình trạng thông đồng, dìm giá, có vấn đề trong kỹ năng hành nghề đấu giá, năng lực của đấu giá viên.
Ông thông tin trong 5 năm (2018 - 2022), Bộ Tư pháp và các đơn vị khác nhau đã thực hiện 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Tổng mức phạt vi phạm gần 2 tỉ đồng, một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra truy tố đấu giá viên như vụ việc ở Đông Anh (Hà Nội).
"Dấu hiệu của các vụ thông đồng, trục lợi thường là đẩy lên quá cao một cách bất thường tiền đặt trước hoặc giảm một cách bất hợp lý tiền đặt trước", ông Long chỉ ra. Đồng thời chỉ rõ cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào các dấu hiệu để xử lý. Nếu phát hiện các yếu tố hình sự như vụ Thủ Thiêm vừa rồi sẽ khởi tố vụ án hình sự. Bởi đã xảy ra câu chuyện đẩy giá tiền đặt trước lên một cách bất hợp lý.
Ông nhấn mạnh trong thời gian tới khi sửa đổi về pháp luật đấu giá sẽ quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt đi tình trạng thông đồng, dìm giá. Ngoài ra, tăng cường biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản của Đảng.
Bên cạnh đó, cần phải chuyên nghiệp hóa, bảo vệ được chức danh nghề nghiệp là đấu giá viên và sẽ có động viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có chế độ bồi dưỡng nhất định...
Bộ trưởng Long cũng cho rằng đấu giá trực tuyến là hình thức tốt để hạn chế tình trạng không minh bạch, thông đồng, dìm giá. Phương thức này được áp dụng phổ biến khi đấu giá tài sản tư nhân. Bộ Tư pháp đang bổ sung quy định, chi tiết hóa để xây dựng trang, cổng thông tin điện tử thực hiện.
Khó lượng hóa cán bộ sợ trách nhiệm
Về tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, ông Long khẳng định có và không chỉ ở Bộ Tư pháp. Theo ông Long, vấn đề này "được nói rất nhiều, nhưng lượng hóa ra thì khó".
Ông dẫn chứng một số trường hợp không làm được, lại đổ lỗi do hệ thống pháp luật, cực đoan thì đổ lỗi do còn "quan điểm khác". Vấn đề này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói rất nhiều. Đánh giá giữa nhiệm kỳ vừa qua, cũng nói khâu yếu của chúng ta là tổ chức thi hành pháp luật.
Theo ông, nhiều trường hợp xem xét vấn đề trong một hệ thống, trong tổng thể nên cứ nói do pháp luật; nói vướng mắc nhưng qua nghiên cứu kỹ thực tế nhiều trường hợp không phải như vậy; một số nơi còn giải thích theo hướng tiện cho mình; cũng có tình trạng hành chính hóa... Cộng với ảnh hưởng việc nọ việc kia trong bối cảnh hiện nay, nên các bộ, ngành chưa chủ động.
"Bộ Nội vụ đang được giao xây dựng nghị định bảo vệ khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm. Nhưng đây mới chỉ là tầm nghị định của Chính phủ còn văn bản pháp luật liên quan lại ở tầm luật", ông Long cho hay.
Cần đảm bảo cho nông dân sống được
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nhiều vấn đề liên quan xuất khẩu gạo, an ninh lương thực, gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản, câu chuyện được mùa mất giá... đã được các đại biểu đặt ra.
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết giải pháp cho vấn đề Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân trồng lúa gạo vẫn có cuộc sống nghèo và rất nghèo.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Song An (tỉnh Long An) lo ngại lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước đẩy giá gạo, lúa tăng cao, tình trạng mua gom gạo ồ ạt xuất hiện ở một số địa phương. "Giải pháp nào để đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững?", bà Song An chất vấn.
Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Hoan nêu theo khảo sát, nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Đồng thời, người trồng lúa cũng là người có thu nhập thấp nhất trong ngành nông nghiệp. Ông chỉ rõ đó là điều không nói khác được nhưng chúng ta có thể làm khác đi.
"Bối cảnh này, giá gạo tăng hằng ngày, đây là thời cơ cải thiện thu nhập rất lớn", ông Hoan nói.
Ông nhắc lại câu nói thật thà của một nông dân mà ông đã ghi nhận: Nếu giá lúa cao, thu nhập ổn định, nông dân miền Tây sẵn sàng đem "mùng ra ngoài đồng giữ lúa" cho Nhà nước, đảm bảo an ninh lương thực, còn nếu giá thấp sẽ bỏ ruộng.
"Đó là điều ám ảnh tâm trí tôi, làm sao cải thiện thu nhập của người nông dân trồng lúa", ông Hoan chia sẻ.
Theo ông Hoan, nếu ứng dụng quy trình canh tác sẽ giảm được 20 - 25% chi phí đầu vào. Nhưng bài toán kinh tế luôn có đầu giảm và đầu tăng, và chúng ta sợ tăng hơn nữa sẽ làm rối ngành hàng, tạo sự phát triển thiếu bền vững.
"Nhưng cải thiện thu nhập nông dân trồng lúa không chỉ là vấn đề giá, mà cần giảm chi phí sản xuất", ông chỉ ra thêm.
Xuất khẩu lúa gạo cần bình tĩnh
Liên quan vấn đề an ninh lương thực, ông Hoan nói đã có báo cáo và Thủ tướng có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta.
Bộ trưởng đề nghị trong tình hình như vậy, cần có thái độ bình tĩnh. Vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, sẽ không có được góc nhìn toàn diện.
Ông chỉ rõ công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực. Đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước.
Về vấn đề giá lúa gạo bị đẩy lên cao, Bộ trưởng Hoan phân tích giá nông sản được quyết định bởi cung - cầu, cầu tăng mà cung không tăng thì giá sẽ lên. Nhưng ngoài bài toán cung - cầu còn có tình trạng cố tình đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn. Từ đó, ông mong bà con nông dân và doanh nghiệp tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau về thời cơ, "mua bán không chỉ vì vấn đề được lợi trước mắt".
Ông chỉ rõ hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 20% diện tích trồng lúa có liên kết, còn 80% nằm ngoài liên kết nên không kiểm soát được. Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác để bền vững.
Trả lời về giải pháp giải quyết tình trạng được mùa mất giá, vấn đề cung - cầu trong lĩnh vực này, bộ trưởng cho rằng nên tư duy lại vấn đề này, theo đó không nên dùng từ "giải cứu" nông sản nữa mà đây là vấn đề của thị trường.
Về câu chuyện trồng sầu riêng, không thể cấm bà con không được trồng sầu riêng mà cần có giải pháp khuyến nông, thông tin thị trường, kết nối doanh nghiêp. Đồng thời đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống từ nông nghiệp đến công thương đến hiệp hội ngành hàng, đến từng hợp tác xã.
Về trách nhiệm của bộ, ông Hoan cho biết có trách nhiệm khi chưa chuẩn hóa quy trình trồng sầu riêng, xây dựng mã ngành hàng.
GỠ THẺ VÀNG IUU:
Không thể biện minh cái nghèo với EU được nữa
Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam liệu có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của EC vào tháng 10 tới đây không, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.
Theo ông Hoan, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định.
Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ NN&PTNT sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ.
Ông Hoan khẳng định đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi. "Ta hay nghĩ rằng người ta nghèo mà phạt nặng quá thì tội nghiệp người ta. Nhưng chúng ta không thể biện minh cái nghèo với EU được nữa, họ cần chúng ta hành động", ông nêu.
107
Đó là số lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã có 54 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Lần thứ 10, Viện trưởng Lê Minh Trí trả lời về "kỳ án gỗ trắc"
Tham gia trả lời chất vấn về nội dung câu hỏi của đại biểu Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) về "kỳ án gỗ trắc", Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết đây là lần thứ 10 ông nói về vụ án này.
Theo ông Trí, có hai vụ án ở đây, trong đó thứ nhất là vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đã được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Thứ hai là vụ án ra quyết định trái pháp luật. Hiện cơ quan điều tra mới ra quyết định tạm đình chỉ chứ không phải là dừng điều tra. Khi có kết quả giám định sẽ phục hồi điều tra.
Ông Trí cho rằng hiện các cơ quan giám định chưa có kết quả nên không xác định được hậu quả thiệt hại nên chưa tiếp tục xử lý. Đây là hai vụ án khác nhau, đối tượng và thời điểm xác định hậu quả là khác nhau.
Vì vậy, theo ông Trí, Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao cũng thực hiện đúng trách nhiệm và đúng quy định. Khi chưa có căn cứ kết quả giám định thì cơ quan điều tra chưa thể tiếp tục thực hiện chức năng điều tra, mà phải tạm đình chỉ để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
3 chữ biến của ngành nông nghiệp
Biến đổi khí hậu
Biến động thị trường
Biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững
(theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan)
Vấn đề tháo gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan.