Mới đây, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) kiểm tra cơ sở thẩm mỹ Kangzin phát hiện một nhân viên đang thực hiện dịch vụ làm căng da mặt cho khách hàng.
Qua làm việc, nhân viên này không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nào và cho biết mình chỉ là nhân viên lao công dọn dẹp tại đây.
Đây có phải những kỹ thuật mà chỉ cần một khóa học cũng có thể thực hiện được?
Theo TS.BS Tống Hải, chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia cho biết hiện nay thị trường làm đẹp ngày càng nở rộ, không ít những tiệm cắt tóc, gội đầu cũng sửa mí, tiêm chất làm đầy, căng da mặt,…
"Tôi đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do căng da mặt, sữa mũi, mí, cằm,…do thực hiện tại cơ sở thẩm mỹ dỏm. Nhiều người chỉ cần tham gia một khóa học, thậm chí chỉ truyền tai nhau về cách cắt mí, căng da đã thực hiện cho khách dẫn đến biến chứng.
Trong khi đó, các bác sĩ sau khi tốt nghiệp cần học chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật hàm mặt, khi hành nghề cần có chứng chỉ theo quy định của pháp luật và phải có kinh nghiệm", bác sĩ Hải cho hay.
Bác sĩ Hải cũng dẫn chứng một trường chị H. (Hà Nội) gặp biến chứng sau phẫu thuật căng da mặt. Cơ sở thẩm mỹ thực hiện đường mổ sai dẫn đến sẹo xấu, sẹo lồi ra phía trước, hai bên mặt bị lệch không cân đối.
"Đẹp đâu chưa thấy nhưng vết sẹo phía tai gồ ghề, gây mất thẩm mỹ khiến bệnh nhân rất tự ti. Trường hợp này, tại bệnh viện bệnh nhân được mổ lại để đưa đường sẹo về đúng nếp căng da tự nhiên của khuôn mặt, sau đó chỉnh cân đối lại mặt 2 bên, làm mờ sẹo", bác sĩ Hải thông tin.
Theo bác sĩ Hải với phẫu thuật căng da mặt, đây là phẫu thuật loại bỏ da thừa làm căng da, mờ các nếp nhăn giúp cho gương mặt trẻ lại. Phẫu thuật này bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều phương pháp khác nhau như căng da mặt toàn phần, căng da mặt tầng trên (căng da trán), căng da mặt tầng giữa mặt (căng da gò má, rãnh mũi má), căng da mặt tầng dưới (căng da cằm cổ, góc hàm).
Nếu người thực hiện không được đào tạo chuyên môn, khi làm sẽ để lại những hậu quả như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, đường mổ sai hình thành sẹo xấu, hai bên mặt không cân đối, căng quá mức, thậm chí có thể gây tổn thương dây thần kinh VII gây méo mặt...", bác sĩ Hải cho hay.
Theo bác sĩ, trong chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ phải học chuyên khoa định hướng 8 đến 12 tháng, sau đó sẽ học chuyên khoa 1 (hoặc thạc sĩ), khi đó đăng ký chứng chỉ hành nghề. Lúc này, bác sĩ mới được thực hiện phẫu thuật tại các bệnh viện công, bệnh viện tư có chuyên khoa.
Đối với trường hợp hành nghề tư nhân, bác sĩ cần thực tập 36 tháng tại bệnh viện chuyên khoa, hoặc bệnh viện có chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ.
"Hiện nay rất nhiều thẩm mỹ viện quảng cáo rầm rộ các dịch vụ làm đẹp, cũng không ít những biến chứng sau khi thực hiện làm đẹp đẹp tại các cơ sở dỏm, thậm chí tử vong. Vì vậy, khi quyết định làm bất kỳ dịch vụ thẩm mỹ nào, chị em cũng cần tìm hiểu kỹ về các quy trình phẫu thuật.
Đặc biệt, cần lựa chọn cơ sở uy tín, được cấp phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề để tránh những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe", bác sĩ Hải khuyến cáo.
Tại thời điểm công an kiểm tra cơ sở thẩm mỹ phát hiện nhân viên đang thực hiện dịch vụ làm căng da mặt cho khách hàng, tuy nhiên người này cho biết chỉ là nhân viên lao công.