Ngày 15-8, đại tướng Phan Văn Giang - ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng - tham dự Hội nghị An ninh quốc tế Matxcơva lần thứ 11 (MCIS-11) tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm "Yêu nước" ở ngoại ô thủ đô Matxcơva.
Tại phiên toàn thể khai mạc MCIS-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá đây là cơ hội để đóng góp chung vào sự phát triển hợp tác giữa các nước. Ông nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức có nguy cơ tác động đến sự ổn định toàn cầu và khu vực. Việc giải quyết các thách thức này cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại MCIS-11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng nhấn mạnh hội nghị là cơ hội trao đổi về hợp tác an ninh quốc phòng vì sự phát triển chung của khu vực và thế giới.
Phát biểu tại phiên thứ hai với chủ đề: "An ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Bộ trưởng Phan Văn Giang nhận định châu Á - Thái Bình Dương là khu vực năng động và nhiều tiềm năng phát triển, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ toàn cầu.
Khu vực thu hút sự quan tâm, hiện diện của nhiều nước ngoài khu vực, nhất là các nước lớn, mong muốn quan hệ hợp tác nhiều hơn với khu vực. Sự quan tâm này một mặt mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển, song cũng kéo theo sự cạnh tranh địa chính trị và sự cọ xát, đan xen lợi ích chiến lược.
Bên cạnh đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với các vấn đề an ninh phi truyền thống, có xu hướng ngày càng trở nên nghiêm trọng như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia...
Để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống này, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh cần đến sự đoàn kết, chung tay, góp sức của các nước, không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chắc chắn cần đến sự tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, thiện chí hợp tác cùng phát triển, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia của mỗi nước, quyền tự quyết của mỗi dân tộc; thượng tôn luật pháp quốc tế, tuân thủ các cam kết khu vực, quan tâm thỏa đáng đến quan ngại an ninh của mỗi quốc gia; kiên trì giải quyết bất đồng, xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Việt Nam kiên định nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam cũng mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn; kiên quyết, kiên trì giải quyết xung đột, tranh chấp, bất đồng thông qua đối thoại, bằng biện pháp hòa bình.
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là bạn với tất cả các nước trên thế giới, là đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế; không liên minh, liên kết quân sự, không "chọn bên" trong quan hệ quốc tế; tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác; cam kết trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế cao cả; luôn mong muốn đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng của thế giới và khu vực.
Bên lề MCIS-11, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam và Nga có mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, gắn bó từ lâu. Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, phù hợp với Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đến năm 2030.
Với mong muốn hợp tác quốc phòng tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu thời gian tới, hai bộ trưởng thống nhất tăng cường phối hợp, tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác, góp phần quan trọng vào sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Tại cuộc gặp, hai bộ trưởng tái khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Hai bộ trưởng nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng để hiện thực hóa nội dung hợp tác đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất, nhằm đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định.
Bộ trưởng Phan Văn Giang trân trọng mời Bộ trưởng Lý Thượng Phúc thăm chính thức Việt Nam nhân dịp Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 8, dự kiến diễn ra vào tháng 9.
Bên cạnh 52 quốc gia thân thiện với Nga, công dân Việt Nam, Campuchia và Myanmar cũng sẽ được cấp thị thực điện tử E-visa để du lịch và làm việc tại Nga.