Sáng 16-8, Công an TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính năm 2023. Thiếu tướng Trần Đức Tài - phó giám đốc Công an TP.HCM - chủ trì hội nghị.
Tham dự có hơn 40 đại diện doanh nghiệp, cá nhân, đã nêu ra nhiều vấn đề liên quan thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực.
Đáng chú ý, bác sĩ Nguyễn Ngọc Nhơn (Bệnh viện Trưng Vương, quận 10) nêu thực trạng cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không ghi lại được hình ảnh sau phẫu thuật của khách hàng để báo cáo cơ quan chức năng theo quy định vì họ không tái khám để tháo băng, cắt chỉ, thậm chí đi nước ngoài.
Vấn đề nữa là khách hàng từ nước ngoài về Việt Nam làm phẫu thuật thẩm mỹ thì khuôn mặt bị thay đổi. Sau khi ra sân bay, hải quan nghi ngờ các trường hợp này vì khuôn mặt không giống hình trong hộ chiếu.
Một số trường hợp xin được giấy chứng nhận đã phẫu thuật thẩm mỹ nhưng hải quan vẫn không chấp nhận vì khuôn mặt thay đổi quá nhiều.
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ - phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM - phản hồi việc phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt phải sử dụng kỹ thuật y học để thay đổi đặc điểm nhận dạng của con người. Cơ quan chức năng đã ghi nhận thông tin trên và sẽ lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị liên quan để sớm đưa ra giải pháp.
Trao đổi thêm về vấn đề này, thượng tá Lê Mạnh Hà - phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM - cho biết với thông tin cá nhân, ngoài nhận dạng khuôn mặt còn có thể nhận dạng dấu vân tay.
Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát sân bay chủ yếu thực hiện nhận dạng khuôn mặt để đảm bảo yêu cầu kiểm soát nhanh, gọn. Thượng tá Hà đề nghị các cơ sở y tế đã thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng cần tuyên truyền để họ chủ động điều chỉnh việc nhận dạng sau phẫu thuật.
Cũng tại hội nghị, chị Trần Kỳ Đoan (ngụ TP Thủ Đức) nêu trường hợp nhà chị được chủ cũ chuyển nhượng quyền sở hữu vào năm 2021. Tuy nhiên, chủ cũ vẫn đăng ký thường trú tại địa chỉ nhà chị, vậy chị phải làm gì để xóa đăng ký thường trú của chủ cũ?
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ thông tin trường hợp của chị Đoan được quy định tại điểm g, khoản 1, điều 24 Luật Cư trú về các trường hợp được xóa đăng ký thường trú.
Cụ thể, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới thì bị xóa đăng ký thường trú.
"Trường hợp này người dân có thể liên hệ công an phường, xã, thị trấn để được hướng dẫn thủ tục xóa đăng ký thường trú nếu không đồng ý cho chủ cũ tiếp tục cư trú tại đây", thượng tá Nguyễn Minh Thơ nói.
Người nước ngoài "trốn" ở lại Việt Nam kết hôn sẽ bị trục xuất
Tại hội nghị, một người dân nêu thắc mắc khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo diện du lịch, sau đó "trốn" ở lại Việt Nam 1-2 năm và kết hôn với người Việt Nam thì bị xử lý thế nào?
Trả lời vấn đề này, thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm - phó trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA08) Công an TP.HCM - cho biết đối với trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam và ở quá hạn 1-2 năm thì vi phạm về cư trú và bị phạt tiền cao nhất đến 17,5 triệu đồng.
"Nguyên tắc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đi du lịch mà kết hôn thì không có cơ quan quản lý nhà nước nào đồng ý đăng ký giấy kết hôn cho họ. Họ chỉ sống chung với nhau nhưng không thể đăng ký kết hôn", thượng tá Nghiệm giải thích.
Theo thượng tá Nghiệm, các trường hợp này sau khi lực lượng chức năng phát hiện sẽ bắt buộc trục xuất khỏi Việt Nam.
Sáng 22-12, Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM đã tổ chức trục xuất 12 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và là nạn nhân của những vụ lừa đảo lao động tại TP.HCM thời gian gần đây.