Rầm rộ đầu tư xe điện
VinFast là doanh nghiệp tiên phong, mở đường xe điện tại thị trường Việt Nam. Hãng đã lắp đặt các trạm sạc, thúc đẩy dịch vụ xe ôm công nghệ, taxi thuần điện. Bên cạnh dãy sản phẩm ô tô điện hiện có, VinFast sẽ ra mắt mẫu xe điện nhỏ gọn cạnh tranh với mẫu Wuling Hongguang Mini EV từ TMT của Trung Quốc, dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2023.
Các hãng xe “ngoại” nhanh chóng đẩy mạnh dải sản phẩm xe điện trong hai năm gần đây. Cuối năm ngoái, Mercedes-Benz Việt Nam đã ra mắt dòng xe thuần điện EQS đầu tiên tại Việt Nam.
Trong năm 2023, Mercedes-Benz sẽ đưa thêm 3 mẫu SUV thuần điện về Việt Nam, bao gồm EQB SUV - SUV hạng sang cỡ nhỏ, EQE SUV - SUV hạng sang cỡ trung và EQS SUV - SUV hạng sang cỡ lớn.
BMW, Porscher, Audi, Volvo lần lượt tung ra mẫu xe hạng sang chạy bằng điện. Audi cũng cung cấp dịch vụ sạc nhanh cho 2 showroom của hãng tại TP.HCM.
Start-up xe điện Selex Smart Electric Vehicle JSC (Selex Motors) có trụ sở tại Hà Nội, đã huy động vốn thành công 3 triệu USD bằng trái phiếu chuyển đổi từ các nhà đầu tư hiện tại là Công ty đầu tư mạo hiểm ADB Ventures của Ngân hàng Phát triển châu Á, Schneider Electric Energy Access Asia, Touchstone Partners và Sopoong Ventures.
Nhà sản xuất bánh xe hàng đầu Bridgestone sẽ tung ra sản phẩm mới sử dụng công nghệ Enliten vào cuối năm 2023. Công nghệ này hứa hẹn mang đến một bánh xe xanh hơn, bền hơn, nhẹ hơn nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu tải và êm ái ngay cả khi bẻ lái.
Đưa xe điện vào dịch vụ hằng ngày
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Mạnh Tân - phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà - cho rằng thị trường xe điện ở Việt Nam có tiềm năng lớn.
Đây là "miếng bánh" chưa khai thác hết. Sơn Hà là doanh nghiệp chuyên sản xuất bồn nước nhưng lấn sân sang lĩnh vực sản xuất xe máy điện, cho thấy thị trường còn dư địa để đầu tư, khai thác. Trước đây, hầu hết các doanh nghiệp ô tô, xe máy chủ yếu nước ngoài đầu tư khai thác ở Việt Nam.
Ông Tân cho rằng ở giai đoạn chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, doanh nghiệp cần nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy làn sóng xe xanh ở Việt Nam tăng tốc.
Một chiến lược khác để các thương hiệu có thể thành công trong "cuộc đua xe điện" chính là hợp tác với các đơn vị liên quan trong ngành công nghiệp ô tô, tận dụng cơ hội từ xu hướng ngày càng gia tăng của dịch vụ kêu gọi xe điện với người tiêu dùng trẻ, để mở rộng sự hiện diện của thương hiệu trên thị trường xe điện Việt Nam.
Khi hợp tác với các công ty taxi, các thương hiệu xe điện có thể trực tiếp giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và thử nghiệm lợi ích trên những chiếc xe điện trong quá trình di chuyển hằng ngày.
Tại Việt Nam, VinFast hợp tác với Be Group với dịch vụ taxi thuần điện. Ứng dụng giao đồ ăn Baemin hợp tác với Hãng DatBike, tài xế sử dụng xe máy điện giao hàng. Tương tự, Ahamove triển khai dịch vụ cho thuê xe máy điện qua app...
Doanh nghiệp như Sơn Hà hỗ trợ khách hàng là cán bộ, viên chức, người lao động mua xe máy điện bằng cách giảm 7,8 triệu đồng/chiếc so với giá bán của đại lý.
Theo các chuyên gia, những sự hợp tác như thế này không chỉ giúp mở rộng thị trường xe điện mà còn đem đến một giải pháp hữu hiệu về môi trường, cũng như đáp ứng tình hình giao thông hiện tại ở các đô thị của Việt Nam.
Thiếu trạm sạc, rào cản khách sử dụng xe điện
Kết quả khảo sát vừa công bố ngày 16-8 của Vero, đơn vị tư vấn truyền thông thương hiệu tại ASEAN, chỉ rằng hạn chế về hạ tầng trạm sạc vẫn còn là thách thức lớn khiến người tiêu dùng e ngại chuyển sang sử dụng ô tô điện.
Theo đó, đằng sau lý do 90% người dùng không chọn mua xe điện là vì họ cho rằng thiếu hụt hệ thống trạm sạc sẽ ảnh hưởng quá trình sử dụng xe điện, nhất là khi đi xe đường dài.
Thúc đẩy di chuyển bền vững ở Việt Nam đòi hỏi một hạ tầng tương ứng, bao gồm nguồn cung cấp điện, các trạm sạc, pin và quy trình xử lý pin.
Thông tin người tiêu dùng được hỗ trợ 1.000 USD/xe khi mua ô tô điện mới đây được nhiều người quan tâm, bắt nguồn từ đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.