Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình Chính phủ nghị định sửa đổi nghị định 152/2020 về người nước ngoài làm việc ở Việt Nam và tuyển dụng, quản lý đối tượng này.
Việc này kỳ vọng tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, kinh nghiệm mà lao động Việt chưa đảm nhiệm được và đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hai phương án đề xuất đều có ưu và nhược điểm
Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án quy định quyền quản lý việc làm liên quan đến người nước ngoài, trong đó có cấp phép lao động.
Phương án 1 là giao sở lao động - thương binh và xã hội quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn. Ưu điểm là đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, thu gọn đầu mối cấp phép… Tuy vậy, phương án này không linh hoạt khi UBND cấp tỉnh cần phân cấp, ủy quyền cho cơ quan khác tại địa phương thực hiện.
Phương án 2 là UBND cấp tỉnh quản lý lao động nước ngoài, trong đó có cấp giấy phép lao động trên địa bàn. Cách này có ưu điểm là giao quyền cho UBND cấp tỉnh song có thể không thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài.
Do vậy, bộ này đề xuất Chính phủ phương án 1 với tinh thần nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Đặng Ngọc Thu Thảo - giám đốc vận hành, dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam - đánh giá phương án 1 hợp lý. Việc giao cho sở lao động - thương binh và xã hội giúp thu gọn đầu mối, thống nhất quy định, thuận tiện cho việc đăng ký giấy phép, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nước ngoài.
Bà Thảo cũng đồng thuận với đề xuất không yêu cầu lao động nước ngoài phải có bằng đại học đúng chuyên ngành dự kiến làm việc. Ví dụ, chuyên gia nước ngoài làm quản lý có bằng kỹ thuật nhưng hiểu rõ sản phẩm, có kinh nghiệm hoàn toàn có thể làm giám đốc kinh doanh.
Nới quy định bằng đại học của người nước ngoài
Cũng theo tờ trình, cơ quan này đề xuất chuyên gia, lao động kỹ thuật tốt nghiệp đại học trở lên, có 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí làm ở Việt Nam. So với trước, quy định không yêu cầu bằng đại học đúng chuyên ngành dự kiến làm việc.
Trong khi đó, lao động kỹ thuật người nước ngoài chỉ cần có kinh nghiệm và được đào tạo 1 năm trở lên, không bắt buộc đúng chuyên ngành dự kiến làm việc như nghị định 152/2020.
Chuyên gia và lao động kỹ thuật được đề xuất sử dụng giấy phép lao động đã được cấp để chứng minh kinh nghiệm. Các trưởng phòng, ban của doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan dự kiến được công nhận là giám đốc điều hành. Người lao động làm việc tại nhiều địa điểm cũng chỉ cần một giấy phép lao động.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hết năm 2022, có gần 120.000 lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam và đến từ trên 110 quốc gia. So với năm 2021, số này tăng gần 20%. Trong đó, lao động quốc tịch Trung Quốc chiếm 30,9%, Hàn Quốc 18,3%, Đài Loan (Trung Quốc) 12,9%, Nhật Bản 9,5%. Còn lại là lao động từ các quốc gia khác.
Chị tôi lấy chồng nước ngoài và có tài sản riêng là nhà đất ở Việt Nam. Nếu chị tôi mất, người chồng nước ngoài có được thừa kế căn nhà này không?