Bà Lê Thị Bé Phượng – phó chủ tịch UBND TP Mỹ Tho cho biết Giếng nước Mỹ Tho được giao cho UBND phường 4 quản lý, khai thác. Do đó việc đánh bắt, khai thác cá tại giếng nước này cũng do phường 4 tổ chức đấu thầu.
"Tuy nhiên, do đây không phải là đầm ao bình thường mà là Giếng nước Mỹ Tho nằm trong công viên nên việc khai thác cá cũng phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Chúng tôi đã yêu cầu phường giám sát chặt chẽ việc kéo cá và chỉ kéo trong một khoảng thời gian nhất định để không ảnh hưởng đến người dân vui chơi tại công viên Giếng nước Mỹ Tho.
Bên cạnh đó, sau khi khai thác, địa phương phải tái tạo nguồn thủy sản mới và làm sạch nguồn nước trong giếng, không để bùn đất vương vãi hai bên bờ", bà Phương nói.
Ông Nguyễn Hồng Hào, một trong khoảng 10 người đang đánh bắt cá tại Giếng nước Mỹ Tho sáng 16-8 cho biết họ chỉ được phép dùng lưới vây để đánh bắt cá. Ngay từ sáng sớm, họ bủa vây lưới theo bề rộng của giếng nước rồi kéo dồn cá lại một góc của giếng nước rồi dùng vợt bắt cá. Hầu hết cá ngay sau khi được bắt lên được người dân mua tại chỗ.
Ông Hào cho biết thêm cá kéo từ giếng nước Mỹ Tho lên chủ yếu là cá tra, cá mè, cá cóc, tôm càng… Trong 3 ngày qua, nhóm của ông Hào đã bắt hơn 1 tấn cá, tôm từ Giếng nước Mỹ Tho.
Giếng nước Mỹ Tho nguyên thủy là hào thành Định Tường được đào năm 1826. Đoạn hào thành này xưa thuộc làng Bình Tạo, tổng Thuận Trị, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An. Lúc chiếm Định Tường, đề phòng nghĩa quân tấn công phía Tây thành Định Tường, chính quyền thực dân đã cải tạo hào thành này thành kinh, đặt tên là kinh Nicolais.
Kinh Nicolas theo thời gian bị bùn lấp cạn dần. Đến năm 1927, kỹ sư người Pháp Partilény lập đề án cải tạo kinh Nicolas thành hồ chứa nước và công trình hoàn thành vào năm 1933 mới hoàn thành.
Ngay nay, Giếng nước Mỹ Tho trở thành một điểm vui chơi, giải trí của người dân TP.Mỹ Tho. Xung quanh được tôn tạo cảnh quan, vỉa hè lát đá rất thoáng mát, sạch sẽ.
Công an thành phố Mỹ Tho đang điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của một phụ nữ tại giếng nước nằm trên đường Tết Mậu Thân.