Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 16/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.918 VND/USD, tăng 37 đồng so với hôm qua.
Trước đó, ngày 15/8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng giá bán USD giao ngay tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước lên 25.025 đồng/USD, tăng 35 đồng so với ngày 14/8 (từ 24.990 đồng/USD). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước vượt mốc 25.000 đồng/USD.
Có thể nhận thấy, tỷ giá trung tâm liên tục tăng trong những phiên gần đây. Từ ngày 7 -11/8, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 22 đồng. Đầu tuần này (14/8), tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) tăng tiếp 11 đồng. Tiếp đến (15/8), tỷ giá trung tâm tăng tới 33 đồng. Hôm nay, tỷ giá trung tâm tăng 37 đồng. Như vậy, tính từ đầu tuần đến nay tỷ giá trung tâm tăng tới 81 đồng.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán VDSC dự báo có một số tiền đề có thể tăng thêm áp lực lên tỷ giá VND/USD trong những tháng cuối năm như triển vọng đồng USD nửa cuối năm 2023 là tích cực. Bên cạnh đó, đồng NDT của Trung Quốc đã mất giá khoảng 5,2% trong nửa đầu năm 2023, đây là mức mất giá đáng kể so với mức khoảng 8,5% trong cả năm 2022. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023, đứng về mục tiêu tăng trưởng và hạ bớt "tấm khiên" về ổn định tỷ giá.
Song theo VDSC, biến động tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước vì nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu khiến cho cán cân thương mại tăng cao kỷ lục là 15,23 tỷ USD; kiều hối chuyển về Tp. Hồ Chí Minh tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ; cung - cầu ngoại tệ không căng thẳng như nửa cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hơn 6,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023.
Giá USD tăng cao trong những ngày qua. Ảnh: NLĐ.
Tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam mới đây, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tỷ giá trong nước vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, áp lực lên tỷ giá rất nhỏ bởi giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, nhất là nhiên liệu, sẽ tăng nhưng không phải sức ép quá lớn. Cùng với đó, cán cân thanh toán thặng dư giúp Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối cũng giúp áp lực lên tỷ giá không còn quá mạnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành giúp cho xu hướng lãi suất tiền đồng liên tục đi xuống. Từ đầu tháng 8 đến nay, thêm một loạt ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiền gửi. Trên thị trường, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp tục được điều chỉnh giảm khoảng 20 - 50 điểm cơ bản ở các ngân hàng thương mại cổ phần tùy loại kỳ hạn. Mức lãi suất niêm yết dành cho khách hàng tổ chức cũng đã giảm về khoảng 6,2 - 6,8% cho kỳ hạn 12 tháng - giảm khoảng 150 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.
Với khách hàng cá nhân, lãi suất kỳ hạn 12 tháng dao động từ 6,3% tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đến 6,4 - 7,0% tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn và khoảng 7,2 - 7,6% tại nhóm còn lại. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu hơn, lãi suất vay mượn kỳ hạn qua đêm bằng VND chỉ còn 0,22%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 0,45%/năm, 2 tuần là 0,65%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD lần lượt ở mức 5,07%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 5,14%/năm và 2 tuần là 5,23%/năm.
Chuyên gia kinh tế cho rằng, mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lên tới 4,85% có thể dẫn đến hoạt động đầu cơ, tạo sức ép lên tỷ giá, cộng với nhu cầu ngoại tệ tăng lên theo mùa vụ đã tác động không nhỏ tới tỷ giá VND/USD, buộc các cơ quan quản lý, điều hành phải quan tâm hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù áp lực lên VND đã tăng nhưng không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối (trên 6 tỷ USD), đồng thời kết hợp với việc hủy thực hiện bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng với tổng giá trị lên đến 2,24 tỷ USD, từ đó đã góp phần đưa ra và để lại lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng. Bên cạnh đó, đối với các giao dịch tổ chức tín dụng mua ngoại tệ kỳ hạn với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã gia hạn các giao dịch này, qua đó Ngân hàng Nhà nước không hút/trì hoãn việc hút VND từ lưu thông về.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, các giải pháp nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc tạo thanh khoản dư thừa trên thị trường, từ đó bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.50092846161803202-taos-meik-mat-gnort-nav-gnat-aig-yt/et-hnik/nv.vtv