Lời "thách thức" mang hàm ý tốt của Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat được phát đi từ Hà Nội ngày 16-8.
Trước cuộc họp báo và diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Israel cùng ngày, ông Nir Barkat đã gặp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Đây là lần thứ ba hai vị bộ trưởng gặp nhau chỉ trong vòng 4 tháng qua.
Lần gần nhất trước đó là ngày 25-7 tại Israel khi ông Nir Barkat và ông Diên cùng đặt bút ký hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước. Đây là FTA thứ 16 mà Việt Nam ký với các nước và nhóm nước, cũng là FTA đầu tiên của Việt Nam với một nước Trung Đông.
"Việc ký FTA này nhanh chưa từng thấy nhưng vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn của cả hai phía", ông Nir Barkat chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 16-8.
Từng là một doanh nhân, ông Nir Barkat cho biết các doanh nghiệp thường luôn đi nhanh hơn chính phủ. Tuy nhiên, trong trường hợp FTA giữa Việt Nam và Israel, những ông chủ dường như đã chậm chân hơn.
"Chính vì thế, trong diễn đàn doanh nghiệp hai nước, tôi đã thách thức họ rằng hãy làm cách nào để nhanh hơn hai chính phủ, tận dụng mối quan hệ đang phát triển nhanh chóng giữa hai bên và hiện thực hóa các cơ hội lợi ích mà mối quan hệ đó mang lại", vị bộ trưởng Israel nói thêm.
Thương mại song phương Việt Nam - Israel dự kiến sẽ đạt 3-4 tỉ USD khi FTA có hiệu lực. Cam kết giảm thuế đến cuối lộ trình của Israel là 92,7% số dòng thuế, trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế.
Để thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch cùng nhiều lĩnh vực khác, Bộ trưởng Nir Barkat tiết lộ hai bên sắp có đường bay thẳng giữa Hà Nội - Tel Aviv sớm nhất vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới.
Về hợp tác đầu tư, Bộ trưởng Nir Barkat cho biết hiện Israel muốn tập trung vào bảy nhóm ngành mà nước này có thế mạnh. Bảy nhóm ngành này là công nghệ cao, an ninh nội địa, ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng năng suất, y tế và các lĩnh vực đời sống, công nghệ về nông nghiệp và thực phẩm, du lịch ứng dụng công nghệ cao.
Phía Israel sẽ cung cấp công nghệ, trong khi phía Việt Nam sẽ làm các việc như marketing, bán hàng. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp và các liên doanh, ông Nir Barkat cũng đề xuất lập quỹ hợp tác sử dụng ngân sách của chính phủ hai bên.
Việt Nam là cửa ngõ của Israel vào Đông Nam Á
Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat khẳng định Việt Nam là cửa ngõ quan trọng giúp Israel mở rộng thị trường ở Đông Nam Á và Nam Á.
Khi được hỏi liệu Israel có tận dụng FTA của Việt Nam để tham gia vào các khối thương mại lớn khác trong khu vực mà Việt Nam là một thành viên, ông Nir Barkat gọi đây là "một ý tưởng hay".
"Israel muốn hợp tác ở bất cứ đâu vì chúng tôi tin rằng tham gia càng nhiều nhóm thì càng tốt. Chúng tôi rất sẵn lòng làm như vậy nhưng trước hết tôi cần hiểu rõ hơn về cơ hội, lợi ích và các cấp dưới của tôi sẽ làm việc để làm rõ việc này", ông Nir Barkat trả lời Tuổi Trẻ Online.
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được kỳ vọng giúp thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỉ USD trong thời gian tới.