Ngày 16-8, UBND TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi đến Sở Y tế, Sở Tài chính, các cơ sở khám chữa bệnh… về việc tăng cường quản lý, kiểm soát trong chi tiêu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn TP.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023 số chi khám chữa bệnh BHYT tăng so với năm 2022 tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Cụ thể, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 4,61 triệu lượt, tăng 40,6% so với năm 2022. Số chi là 4.857 tỉ đồng, tăng 26,7% so với năm 2022.
Khả năng sẽ vượt dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT dự kiến được giao trong năm 2023.
Do đó, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh có giải pháp quản lý chi phí khám chữa bệnh BHYT đảm bảo đúng quy định.
Đồng thời phải tự kiểm tra, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, không để xảy ra hành vi lập khống bệnh án, đơn thuốc để thanh toán BHYT.
Các cơ sở khám chữa bệnh phải cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia BHYT, không để người bệnh tự mua.
Đặc biệt quản lý chặt chẽ các chi phí, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là dịch vụ kỹ thuật và thuốc đắt tiền.
Sở Y tế phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ chữa bệnh BHYT, đặc biệt là trường hợp có dấu hiệu thu gom người bệnh, gian lận, chỉ định dịch vụ y tế, thuốc vật tư… nhằm trục lợi.
Ngừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT theo quy định đối với các đơn vị có hành vi lạm dụng, trục lợi…
UBND TP.HCM yêu cầu giám đốc các cơ sở chữa bệnh phải lựa chọn sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí nhưng không ảnh hưởng chất lượng điều trị người bệnh.
TTO - Đã có hơn 90% người Việt tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có một phần đáng kể là BHYT tự nguyện. Thế nhưng người dân còn nhiều băn khoăn về việc bảo hiểm chi trả phí đến mức nào, các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí 'khủng' được trả ra sao?