Tại nhiều nước châu Á, bộ GD-ĐT thường sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa (SGK). Trong khi đó tại hầu hết các nước châu Âu lại không có sự phê chuẩn trước này mà một trường có thể sử dụng bất cứ bộ SGK nào họ muốn.
"Bước tiến vĩ đại"
Báo cáo dài gần 100 trang về chính sách SGK tại châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố năm 2018 có riêng một phần với tựa đề: "Các hệ thống nhiều bộ SGK: bước tiến vĩ đại" (Multiple-textbook systems: the great leap).
Báo cáo dẫn các kết quả từ Chương trình đánh giá học sinh quốc tế vốn đã được biết tới từ lâu của OECD cho thấy việc các trường được tự chủ trong nội dung giảng dạy, phương thức đánh giá cũng như loại SGK muốn dùng có liên quan tích cực tới chất lượng tổng thể đào tạo.
Việc dùng nhiều bộ SGK cũng nhằm phá bỏ mối quan hệ "mặc định" thường có ở việc chỉ có một bộ SGK về mối quan hệ giữa SGK và các kỳ thi, giúp giáo viên tập trung hơn vào nội dung giảng dạy thay vì chỉ lo chạy cho hết chương trình trong sách để phục vụ việc thi.
Bên cạnh đó, việc dùng nhiều bộ SGK cũng nhằm khai thác lợi thế từ kiến thức, kinh nghiệm của các nhà xuất bản thương mại và thông qua cạnh tranh, kỳ vọng có thêm nhiều cải tiến trong chất lượng SGK được thúc đẩy từ nhu cầu của người học.
Chọn sách giáo khoa thế nào?
Tại hầu hết các nước dùng nhiều bộ SGK, các trường tự quyết định việc muốn dùng bộ nào. Có một số ngoại lệ như ở Nhật Bản, ở cấp tiểu học và trung học sẽ có một ủy ban trường học nơi sở tại (gồm các chuyên viên giám sát, hiệu trưởng, các giáo viên và phụ huynh) đại diện cho các trường học địa phương tham gia chọn lựa SGK.
Tại Trung Quốc, SGK cho cấp tiểu học và trung học cơ sở sẽ do cơ quan phụ trách giáo dục cấp tỉnh, thành phố hoặc cấp huyện chọn. Mỗi khu vực phải chọn ít nhất ba bộ SGK trong số những bộ được phép sử dụng. Một số nơi có thể chọn nhiều hơn, chẳng hạn Bắc Kinh có năm bộ SGK khác nhau cho môn tiếng Anh ở bậc tiểu học.
Tại Singapore, các trường được khuyến khích sử dụng các tài nguyên học tập liệt kê trong danh sách SGK được phê chuẩn (Approved Textbook List). Tại Hàn Quốc, các trường từ sau cấp tiểu học sẽ chọn SGK từ những bộ đã được Bộ Giáo dục phê chuẩn.
Tại Thái Lan, về lý thuyết mỗi trường có ngân sách và quyền hạn tự chọn SGK cho mình, tuy nhiên trên thực tế Văn phòng Ủy ban giáo dục cơ bản (OBEC), cơ quan thuộc Bộ Giáo dục Thái Lan, có ảnh hưởng lớn tới vấn đề này.
Có thể thấy ở nhiều nước châu Á, quy trình thẩm định và lựa chọn SGK vẫn đang được hoàn thiện dần để hướng tới việc chọn được những bộ sách có chất lượng cao và giá cả hợp lý.
Tại Trung Quốc, việc xét chọn SGK trải qua quy trình gồm hai giai đoạn: ở giai đoạn đầu, các nhà xuất bản phải chứng minh được họ đã cân nhắc đầy đủ, phù hợp tầm nhìn của chương trình giáo dục cũng như kế hoạch giảng dạy.
Giai đoạn tiếp theo, Bộ Giáo dục Trung Quốc sẽ đưa ra những phản hồi chi tiết, có thể bao gồm cả những đề xuất, khuyến nghị thêm. Sau khi nhà xuất bản điều chỉnh, SGK sẽ được đánh giá lần thứ hai. Hàn Quốc cũng áp dụng quy trình xét duyệt hai giai đoạn như vậy.
Nhiều nước châu Á như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... đang áp dụng chính sách nhiều bộ SGK, dù cách thực hiện có những khác biệt về quy trình chọn lựa, thẩm quyền quyết định các bộ sách...
Nhiều sách giáo khoa thì thi cử thế nào?
Để áp dụng hiệu quả chính sách nhiều bộ SGK cần một nhận thức thống nhất về ý định, mục tiêu của việc này giữa các bên liên quan chứ không chỉ là các nhà hoạch định chính sách.
Thực tế triển khai cho thấy nhiều nước đã ghi nhận những vấn đề phát sinh gây hoang mang khi triển khai dùng nhiều bộ SGK. Chẳng hạn tại Đài Bắc (Trung Quốc), các giáo sư ra đề cho kỳ thi tuyển đầu vào bậc đại học được yêu cầu phải thiết kế các câu hỏi dựa trên nội dung kiến thức của nhiều bộ SGK khác nhau.
Thế nên, nếu hầu hết các câu hỏi trong đề thi bị phát hiện chủ yếu liên quan tới nội dung của một bộ sách nào đó, chắc chắn phụ huynh và giáo viên sẽ nghi ngờ về tính liêm chính của những người làm đề cũng như tính công bằng của kỳ thi.
"Với chính sách có thể dùng nhiều bộ SGK, phụ huynh và nhà trường cần hiểu rằng SGK không phải là cái đại diện cho nội dung sẽ được kiểm tra vào cuối năm hay cuối chương trình học", báo cáo về chính sách SGK tại châu Á năm 2018 của ADB nhận định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các bộ liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 - 2024.