Tại cuộc họp báo chiều 16/8, ông Đặng Văn Dũng cho biết, việc xét xử tội phạm vắng mặt - điển hình trong đại án AIC, là đường hướng xử lý người bỏ trốn trong các vụ án khác. Từ đây, các cơ quan tố tụng sẽ nghiên cứu, ban hành hành án lệ để xét xử người phạm tội bỏ trốn.
"Đây là điểm mới, nổi bật trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua", ông Dũng nói. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng yêu cầu "kiên quyết dẫn độ tội phạm bỏ trốn để xét xử nghiêm minh".
Phân tích thêm, Phó ban Nội chính Trung ương cho rằng, người phạm tội bỏ trốn thường chưa bị kết án, chỉ ở giai đoạn bị truy nã, khiến việc hợp tác quốc tế truy bắt gặp khó khăn. Còn khi tội phạm đã bị tuyên án, nhất là liên quan đến tham nhũng, các cơ quan thực thi pháp luật sẽ có cơ sở, điều kiện truy bắt. "Chúng tôi tin rằng với quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng, việc truy bắt tội phạm bỏ trốn sẽ có kết quả", ông Dũng thông tin.
Cuối năm 2022, vụ tham nhũng tại Công ty AIC được xét xử là vụ án hy hữu khi có 8 bị cáo vắng mặt do đang trốn truy nã. Trong đó, chủ mưu Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch AIC, bị phạt 30 năm tù. Ngoài vụ án này, dù bỏ trốn, bà Nhàn tiếp tục bị khởi tố ở hai vụ án khác. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đang quyết tâm truy bắt bà này để xử lý.
Sáng nay, tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì) đánh giá việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong vụ án AIC đã "tạo bước đột phá" trong xử lý các vụ án tham nhũng. Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...
Ban chỉ đạo yêu cầu hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng trong các lĩnh vực dễ xảy ra tình trạng này; bảo vệ người tố cáo và cung cấp thông tin về tham nhũng. Chủ trương cho cán bộ từ chức, miễn nhiệm sau khi bị kỷ luật sẽ tiếp tục được thực hiện.
Nửa đầu năm nay có hơn 200 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, 10 đảng viên vi phạm kê khai tài sản, thu nhập. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 13 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán kiến nghị thu hồi 165.000 tỷ đồng; xử lý trách nhiệm hơn 780 tập thể và 2.900 cá nhân; 320 vụ có dấu hiệu tội phạm được chuyển sang cơ quan điều tra.
Trong 6 tháng qua, cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 452 vụ án với 1.400 bị can về tội tham nhũng. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi gần 2.100 tỷ đồng.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 (đầu năm 2021) đến nay, có 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 23 sĩ quan cấp tướng bị kỷ luật. Trung ương đã xem xét cho thôi chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công việc khác với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương cho từ chức 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật.
Xem thêm: lmth.9252464-nort-ob-mahp-iot-od-nad-os-oc-al-tam-gnav-ux-tex/ten.sserpxenv