Ngày 17-8, bác sĩ Hồ Nhựt Tâm - trưởng đơn vị cột sống, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) - cho biết đã phẫu thuật thành công cho một phụ nữ mắc chứng vẹo cột sống suốt 15 năm.
"Chịu đựng" 15 năm
Cụ thể, bệnh nhân là bà K.L. (50 tuổi, Long An) làm nghề nội trợ. Cách đây 15 năm, bà bị đau lưng, đau tăng khi đi đứng, khiêng xách nặng, đau đi đau lại nhưng không hết hẳn.
Bệnh nhân khi thăm khám tại nhiều bệnh viện được các bác sĩ khuyên không nên mổ vì rủi ro cao gây liệt, bí tiểu, nên bà L. đã cố chịu đau tê hai chân trong thời gian dài, thường xuyên mất ngủ, vẻ mặt hốc hác.
Sau 15 năm uống thuốc, bà L. cảm thấy mệt mỏi, cơn đau thắt lưng cường độ ngày càng nhiều, dù nằm nghỉ ngơi vẫn không bớt, có khi tiểu sót, thỉnh thoảng bí tiểu, đi bộ 5-10 mét phải nằm nghỉ.
Tại Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, sau khi thăm khám, bà L. được chẩn đoán bị còng vùng cột sống thắt lưng, vẹo cột sống thắt lưng rất nặng, chèn ép thần kinh, rối loạn cơ vòng.
Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật giải ép rễ thần kinh, ống sống, hàn xương liên thân đốt cột sống thắt, kết hợp nắn chỉnh đường còng và vẹo cột sống thắt lưng, ca mổ kéo dài 7 giờ 20 phút.
Ca phẫu thuật đã thành công, bệnh nhân cao thêm 7cm, dáng người đi thẳng, người và phần đầu không còn đổ về trước khi đi hay đứng, hết đau tê hai chân, sức khỏe gần như bình thường, sức cơ và cơ vòng hoàn toàn bình phục.
Sau ba tuần phẫu thuật, bà L. không còn đi trên khung tập đi, tự đi đứng như người bình thường.
Càng lớn tuổi, nguy cơ còng, vẹo cột sống càng cao, phòng ngừa ra sao?
Bác sĩ Hồ Nhựt Tâm cho biết nguy cơ ở một người trưởng thành trên 50 tuổi bị vẹo cột sống là 6%, càng lớn tuổi hơn 50 tuổi, bệnh nhân có nguy cơ bị vẹo, còng cột sống càng cao có thể chiếm tỉ lệ đến 36%.
Nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới cho rằng nguyên nhân của bệnh lý vẹo, còng cột sống ở người trưởng thành có hai loại: loại vẹo, còng cột bẩm sinh từ nhỏ không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm, khi lớn tuổi cột sống biến dạng nặng hơn, làm thay đổi trục cột sống gây đau và biến chứng thần kinh.
Loại vẹo, còng cột sống thứ hai là vẹo, còng cột sống mới mắc phải do thoái hóa ở người cao tuổi, thường gặp nhiều hơn vẹo cột sống bẩm sinh.
Bác sĩ Tâm cho hay có hơn 60% người trưởng thành bị vẹo cột sống mà không bị tiến triển vẹo cột sống nặng hơn. Và ngay cả khi bệnh nhân có nguy cơ tiến triển, vẫn có nhiều cách để phòng ngừa.
Tập thể dục đúng cách rất quan trọng để ngăn ngừa sự tiến triển vẹo cột sống. Bệnh nhân bị vẹo cột sống cần tập luyện để tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh cột sống để các đốt sống có thể được hỗ trợ tốt, bệnh nhân cần phải khám và điều trị bởi chuyên gia.
Cả trẻ em, người lớn nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa sự tiến triển vẹo cột sống.
Tình trạng này có liên quan đến mật độ xương thấp hơn ở thanh thiếu niên, vì vậy việc ăn thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe xương tốt hơn là điều bắt buộc.
TTO - Trải qua hai lần mổ phức tạp với những rủi ro tiềm ẩn như liệt, thậm chí tử vong, Đ. (ngụ Vĩnh Long) đã đi đứng bình thường và cao thêm 8cm.