Học sinh học nghề tại trường trung cấp ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Các nội dung trong cuộc khảo sát sẽ được phục vụ cho chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 9-2023 về chủ đề "Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm".
Người học nghề nhiều nhất ở trình độ cao đẳng
Ông Nguyễn Chí Thành - phó trưởng phòng giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - thông tin tính đến tháng 7-2023, TP.HCM có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường nghề). So với cuối năm 2022, TP.HCM tăng thêm 9 cơ sở.
TP.HCM hiện có 62 trường cao đẳng, tăng thêm 2 trường so với năm 2022. Các trường cao đẳng mới được thành lập bao gồm Trường cao đẳng Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn (nâng cấp từ Trường trung cấp Việt Khoa) và Trường cao đẳng Công nghệ và Du lịch (đặt địa điểm đào tạo).
Trong 62 trường cao đẳng thì có 30 trường công lập (18 trường trung ương và 12 trường thành phố). Số trường cao đẳng tư thục trên địa bàn TP.HCM là 32 trường.
Về tình hình tuyển sinh trong 7 tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Chí Thành thông tin quy mô đào tạo tổng các trình độ là 370.914 người. Trong đó, trình độ cao đẳng là 177.129 người học, trình độ sơ cấp là 126.131 người và trình độ sơ cấp là 33.827 người học.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả tuyển sinh ở các nghề đào tạo ngắn hạn vẫn chiếm tỉ trọng cao trong tổng thể kết quả tuyển sinh ở nhiều năm gần đây phản ánh phần nào xu hướng chọn nghề của người học: muốn học nghề nhanh, sớm tham gia thị trường lao động.
"Quy chế tuyển sinh trình độ đại học có nhiều điều kiện thuận lợi cho học sinh khi đăng ký dự tuyển nên đã tạo ra sự khó khăn cho các trường trung cấp, trường cao đẳng khi bị động trong nguồn tuyển sinh hằng năm", ông Thành nói.
Ông Cao Thanh Bình, trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, tại buổi khảo sát - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Nhiều trường trung cấp hiện thiếu thí sinh
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng báo cáo tuyển sinh hệ trung cấp những năm gần đây luôn gặp khó khăn. Từ năm 2019 đến nay, hệ trung cấp tại TP.HCM đều không tuyển đủ chỉ tiêu.
Trao đổi với đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Cao Thanh Bình, trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, cho biết trong những cuộc khảo sát tại các trường cao đẳng, trung cấp, đoàn khảo sát của HĐND TP.HCM nhận thấy nhiều trường trung cấp hiện đang thiếu thí sinh. Một số nghề trong trường trung cấp hầu như không có người học.
Theo ông Bình, một trong những nguyên nhân là do sự khác biệt giữa trường cao đẳng và trung cấp không nhiều. Trường cao đẳng và trung cấp đều có thể tuyển sinh, đào tạo cho học sinh tốt nghiệp THCS, đều được miễn học phí học nghề trong 2 năm.
Trong khi đó, cao đẳng lại có lợi thế 3 năm sẽ có bằng cao đẳng, trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT, còn trung cấp 2 năm có bằng trung cấp, và còn thiếu một năm để dự thi tốt nghiệp THPT. "Như vậy, tâm lý chung người học sẽ muốn học cao đẳng thay vì trung cấp", ông Bình nói.
Vì vậy, ông Bình cho rằng cần tính toán sự khác biệt giữa trung cấp, cao đẳng. TP.HCM cũng có thể tính toán tinh gọn những trường không đảm bảo chất lượng để tập trung nguồn lực tăng chất lượng cho các trường.
Thay đổi nhận thức về học nghề
Cũng tại buổi khảo sát, nhiều vấn đề được Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đặt ra bao gồm truyền thông thay đổi nhận thức cho phụ huynh về học nghề, làm rõ cho phụ huynh về học nghề 7 môn hay 4 môn, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và giải quyết việc làm sau học nghề.
Mô hình lớp học song song được một số trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (trường nghề) tại TP.HCM áp dụng.