Tối 17-8, tại Hà Nội, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã tổ chức chương trình Ngày hội ước mơ, tuyên dương 49 nữ sinh dân tộc thiểu số đã nhận học bổng "Mở đường đến tương lai" giai đoạn 2.
Theo đó, dự án "Mở đường đến tương lai" là dự án dành cho 100 nữ sinh người dân tộc thiểu số. Dự án được thực hiện trong 14 năm và chia làm hai giai đoạn. Đây cũng là một trong bốn dự án đầu tư chiều sâu của học bổng Vừ A Dính.
Dự án bắt đầu từ năm 2010, mỗi giai đoạn sẽ hỗ trợ 50 nữ sinh trong 7 năm, gồm 3 năm học trung học phổ thông và 4 năm đại học.
Trong giai đoạn 1 của dự án, 50 nữ sinh được hỗ trợ đã ra trường. Với vốn kiến thức có được, các nữ sinh đã trở thành giáo viên, kỹ sư, y bác sĩ… là những nhân sự quan trọng chăm lo cho bản làng, dân tộc mình.
Tại buổi lễ, bà Trương Mỹ Hoa - nguyên phó chủ tịch nước, chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính - đánh giá chặng đường 13 năm qua của dự án "Mở đường đến tương lai" đã đạt những kết quả đúng với mục tiêu đề ra.
Bà Hoa cho biết dự án "Mở đường đến tương lai" không phải là một dự án lớn, nhưng là dự án rất quan trọng đối với Quỹ học bổng Vừ A Dính, bởi đây là một dự án dài hạn, căn cơ, bền vững, chuyên đào tạo nguồn nhân lực là các nữ sinh người dân tộc thiểu số.
"Đối với phụ nữ đòi hỏi bình đẳng đã khó, với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đòi hỏi sự bình đẳng lại còn khó hơn vì những rào cản về phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu mà người phụ nữ phải gánh trên vai.
Thông qua dự án, giúp cho chị em có kiến thức, hiểu biết, để chị em tự nhận thức, tự làm thay đổi cuộc đời của chính mình, thay đổi thân phận phụ nữ dân tộc mình.
Giai đoạn 2, các em đang phát triển rất tốt. Ngoài kết quả học tập tốt, các em rất năng động, bản lĩnh, trưởng thành trong các hoạt động của cộng đồng. Các em sẽ trở thành những người phụ nữ năng động, sáng tạo, góp phần xây dựng quê hương đất nước", bà Hoa nhận định.
Cha bỏ từ bé, mẹ bị tâm thần hết đập phá nhà mình tới nhà hàng xóm. Trong nỗi khốn khổ của cuộc đời, Nguyễn Văn Học (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cứ lặng lẽ học và lớn lên.