Phải mất hàng triệu năm để các quá trình địa chất hình thành nên các mỏ khoáng sản, nhưng con người đang khai thác các mỏ như thể chúng là vô tận.
Liệu chúng ta có thể làm cạn kiệt hoàn toàn một số tài nguyên khoáng sản và kim loại vốn là nền tảng cho cơ sở hạ tầng và lối sống của thế kỷ 21, cho dù đó là vàng, sắt, rheni hay selen?
50 năm nữa sẽ cạn kiệt khoáng sản?
Theo một số ước tính, việc chúng ta tiêu thụ quá mức một số khoáng sản kim loại có thể khiến nguồn cung cạn kiệt trong vòng 50 năm hoặc ít hơn.
Sắt là nguyên tố phổ biến thứ tư trong lớp vỏ Trái đất. Phần lớn sắt bị "nhốt" sâu bên trong và chỉ một phần nhỏ có thể tiếp cận được ở lớp vỏ ngoài Trái đất dưới dạng quặng sắt.
Vào năm 2022, người ta ước tính rằng Trái đất chứa khoảng 180 tỉ tấn quặng sắt thô, với tổng hàm lượng sắt là khoảng 85 tỉ tấn. Nghe có vẻ nhiều, nhưng nó sẽ không tồn tại mãi mãi.
Trong cuốn sách "Kế hoạch B 3.0: Huy động để cứu lấy nền văn minh" (Plan B 3.0: Mobilizing to Save Civilization), ông Lester Brown - nhà phân tích môi trường, sáng lập Viện Chính sách Trái đất của Mỹ - đã đưa ra tuyên bố lớn: Quặng sắt có thể cạn kiệt vào năm 2062.
Tương tự, ông dự báo các khoáng sản quan trọng khác, như chì và đồng, cũng có thể cạn kiệt trong những thập kỷ tới.
Tuy nhiên, nhiều tranh luận cho rằng ông Brown cực đoan khi nhìn nhận thực trạng. Các nhà nghiên cứu khác nói khả năng cạn kiệt kim loại ít hơn đáng kể so với ước tính "giật gân" của ông Brown.
Ngoài ra, theo họ, cũng có thể tái chế sắt cũng như các sản phẩm phái sinh của nó như thép. Nghĩa là trữ lượng của kim loại ở lớp vỏ Trái đất không phải là tất cả và cuối cùng.
Một nghiên cứu năm 2021 lập luận rằng một kim loại chính có nguy cơ cạn kiệt hoàn toàn sau 100 năm nữa là đồng.
Sáu nguồn tài nguyên khác có khả năng cạn kiệt trong khoảng 100 - 200 năm là antimon, vàng, bạc, bismuth và molypden. Và 9 nguồn tài nguyên có thời gian cạn kiệt từ 200 đến 1.000 năm: indi, crom, kẽm, niken, vonfram, thiếc, rheni, selen và cadmium.
Khoan sâu vào lòng Trái đất: Coi chừng!
Theo trang khoa học IFL Science, nhiều nhà khoa học tin rằng chúng ta chỉ mới khai thác bề mặt của Trái đất. Phần lớn các mỏ khai thác hiện nay chỉ ở độ sâu 300m trong lớp vỏ Trái đất.
Tuy nhiên, các khoáng sản có thể được tìm thấy ở độ sâu hơn nhiều. Khi công nghệ tiếp tục phát triển, có khả năng chúng ta sẽ có thể khai thác những nguồn dự trữ sâu này.
Tuy nhiên, vấn đề là liệu chúng ta có thể có được chúng theo cách không gây hại cho hành tinh hoặc con người hay không?
"Đừng nhầm lẫn tài nguyên khoáng sản tồn tại trong Trái đất với trữ lượng - đó là tài nguyên khoáng sản đã được định lượng và có thể khai thác một cách kinh tế. Tác động đến môi trường và xã hội của hoạt động khai thác khoan sâu vào lòng đất cần được xem xét", ông Lluis Fontboté, giáo sư khoa khoa học Trái đất tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ), lưu ý.
Nếu tiếp tục bị tàn phá cực đoan, hệ thống địa chất và khí hậu của Trái đất sẽ trở nên hỗn loạn và không thể trở lại ổn định, các nhà khoa học cảnh báo.