Trong phiên họp giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông chiều 14-8, có ý kiến nêu việc cần biên soạn một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì.
Công điện ngày 16-8 của Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo làm nội dung sách giáo khoa, chuẩn bị phương án trình Quốc hội xem xét.
Điều gì sẽ đến nếu có thêm một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì biên soạn? Việc này sẽ làm thay đổi sự chọn lựa bộ sách giáo khoa nào của các trường không?
Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội nêu chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Xã hội hóa gắn liền với đa dạng các bộ sách, có thêm sự lựa chọn sách.
Quyền lựa chọn đang thuộc về mỗi trường. Cùng với đó, ban giám hiệu các trường phải tính toán mọi thứ để đảm bảo việc dạy học theo chương trình đã chọn. Trên thực tế việc này chưa hề dễ dàng.
Trước hết phải có đủ giáo viên cho một số môn ở chương trình mới. Ví dụ như môn khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở gồm kiến thức ba môn vật lý, hóa học và sinh học.
Thầy cô giáo trước đây dạy một môn nay phải lo cả ba môn khi chỉ được đào tạo chuyên môn một trong ba môn đó. Các trường ĐH sư phạm chưa kịp cho ra lò nguồn giáo sinh đúng yêu cầu môn học này.
Rồi các môn âm nhạc, mỹ thuật cũng được yêu cầu cao hơn trong khi lực lượng giáo viên vẫn thiếu.
Sách giáo khoa quan trọng nhưng tổ chức giảng dạy tốt với sách mới cũng quan trọng không kém và vẫn là nỗi lo chưa bao giờ cũ với các trường. Bài kiểm tra cuối học kỳ một số môn được ra đề chung trong cùng quận, huyện nhưng sách học có thể khác nhau.
Vậy là có thực tế một môn hai đề nếu các trường chọn hai sách khác nhau. Cả thầy cô, phụ huynh và học sinh cùng lo cho tương lai khi học sinh cả nước (hoặc cả tỉnh) học nhiều bộ sách khác nhau sẽ thi chung một đề thi tốt nghiệp hoặc thi tuyển vào lớp 10.
Việc này có lẽ cũng không dễ với những người ra đề khi thực tế việc dạy và học chưa thoát khỏi lối học gì thi nấy.
Một khi đã chọn hướng đa dạng sách giáo khoa tức là thôi nương dựa và tin tưởng tuyệt đối vào một bộ sách giáo khoa cụ thể nào. Thay vào đó là kỳ vọng lớn lao rằng nhà trường dù chọn bộ sách nào cũng đảm bảo học trò có kết quả tốt nhất trong các kỳ thi với đề chung. Đây là áp lực lớn đặt trên vai thầy cô.
Sau mấy năm có nhiều bộ sách giáo khoa, những áp lực về kết quả và điểm số chưa hề giảm nhẹ với cả thầy và trò.
Nhiều đơn vị phát hành sách nhưng tỉ lệ chiết khấu và giá sách vẫn cao gây bức xúc xã hội. Tình trạng chậm trễ phát hành sách gây thiếu sách cục bộ vẫn đến hẹn lại lên. Thực tế không được như kỳ vọng về việc có nhiều bộ sách.
Và lại xuất hiện luồng ý kiến cho rằng cần có một bộ sách làm "chuẩn kiến thức". Theo tôi, bộ sách này nên ra đời cùng lúc các bộ sách đang lưu hành.
Việc cần thiết nhất bây giờ là đào tạo đủ giáo viên theo chương trình khung mới, cải tiến phương pháp giảng dạy, cách ra đề thi kiểm tra đánh giá theo hướng đảm bảo học sách nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu các kỳ thi chung.
Trước thềm năm học mới, các trường và thầy cô giáo cần được sự đồng hành gỡ khó để họ dạy tốt nhất chương trình mới. Tôi cho rằng điều này cần được lưu tâm hơn cả việc có thêm bộ sách giáo khoa nào nữa không.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhiều lần khẳng định như vậy, gần nhất là tại phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa ngày 14-8 và một ngày sau đó tại cuộc gặp gỡ giáo viên cả nước.