Ngày 18-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo bên cạnh việc tham dự cuộc họp BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đồng chủ trì Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc -châu Phi với người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa.
Các nhà lãnh đạo từ năm quốc gia BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ gặp nhau tại Johannesburg vào tuần tới.
Các quốc gia thành viên BRICS chiếm 1/4 nền kinh tế toàn cầu. Song tổ chức này cũng bị giới chuyên gia đánh giá là khá lỏng lẻo.
Theo Hãng tin Reuters, cuộc họp sắp tới, bắt đầu từ ngày 22-8, sẽ tập trung thảo luận về cách biến BRICS thành một lực lượng địa chính trị có thể thách thức sự thống trị của phương Tây trong các vấn đề thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ họp trực tuyến thông qua đường truyền video, thay vì tham dự trực tiếp. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tham dự trực tiếp tại Nam Phi.
Theo Nam Phi, số lượng quốc gia sẽ được mở rộng đáng kể vì khoảng 40 nước đã thể hiện sự quan tâm, chính thức hoặc không chính thức. Trong đó, Saudi Arabia, Argentina và Ai Cập đã thể hiện sự quan tâm đối với cuộc họp của BRICS.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tuyên bố "chào đón nhiều đối tác có cùng chí hướng tham gia 'gia đình BRICS' trong thời gian sớm nhất". Bắc Kinh đang nỗ lực gia tăng tầm ảnh hưởng của mình trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Mỹ.
Nga cũng ủng hộ việc mở rộng, trong khi Brazil phản đối vì sợ rằng BRICS có thể bị suy giảm tầm vóc bởi điều này. Ấn Độ hiện chưa đưa ra ý kiến.
Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ hoan nghênh phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng Bắc Kinh nói nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là các động thái đơn phương và bảo hộ của Mỹ.