Các nhà khoa học ước tính các máy thu năng lượng Mặt trời trong không gian có khả năng mang lại năng lượng gấp 8 lần so với các tấm pin Mặt trời tại bất kỳ vị trí nào trên bề mặt địa cầu.
Dự án Điện Mặt trời trong không gian (SSPP) của Viện Công nghệ California (Caltech) ngày 3-1-2023 đã phóng Hệ thống thử nghiệm thu phát điện Mặt trời trong không gian (SSPD-1), nặng 50kg, đặt trên tàu vũ trụ Momentus Vigoride và được tên lửa của Hãng SpaceX phóng vào quỹ đạo thấp.
Hệ thống SSPD-1 được thiết kế để kiểm tra 3 module nhỏ là DOLCE, ALBA và MAPLE.
Trong đó Module DOLCE kiểm tra thiết kế và cơ cấu triển khai cấu trúc gập siêu nhẹ. Module ALBA kiểm tra hàng loạt thiết kế pin quang năng khác nhau để xem loại nào hiệu quả nhất trong không gian.
Quan trọng nhất là Module MAPLE (Microwave Array for Power-transfer Low-orbit Experiment). Đây là thí nghiệm truyền điện qua vi sóng ở quỹ đạo thấp, giúp kiểm nghiệm công nghệ truyền điện không dây về trạm nhận tín hiệu trên mặt đất.
"Thông qua các thử nghiệm mà chúng tôi đã thực hiện cho đến nay, chúng tôi xác nhận MAPLE có thể truyền điện thành công tới các máy thu phát điện trong không gian", đồng giám đốc Dự án Điện Mặt trời trên không gian, tiến sĩ Ali Hajimiri, tuyên bố.
Các nhà khoa học cho biết họ có thể lập trình module vi sóng MAPLE để hướng năng lượng của nó về Trái đất.
MAPLE đã chứng minh được khả năng truyền được năng lượng không dây trong không gian. Nó gửi năng lượng từ một máy phát đến hai dãy máy thu riêng biệt, nơi năng lượng được chuyển thành điện năng.
Sau đó MAPLE truyền năng lượng lên hệ thống tiếp nhận điện trên mái nhà của Phòng thí nghiệm kỹ thuật Gordon và Betty Moore, nằm trong khuôn viên Viện Caltech ở thành phố Pasadena.
MAPLE đã chứng minh khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt của không gian khi chịu sự dao động lớn về nhiệt độ và tiếp xúc với bức xạ Mặt trời.
Theo kế hoạch, sau các thử nghiệm, ở hệ thống SSPP hoàn thành cuối cùng sẽ bao gồm một chòm vệ tinh module thu thập ánh sáng Mặt trời, biến nó thành điện năng và biến năng lượng này thành vi sóng, sau đó được chiếu trở lại Trái đất, nơi cần năng lượng.
Điều này có thể giúp đem điện tới các khu vực vốn có cơ sở hạ tầng năng lượng yếu kém.
Ông Hajimiri nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng rằng việc truyền năng lượng không dây sẽ dân chủ hóa việc tiếp cận năng lượng. Không cần cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng trên mặt đất để nhận được năng lượng này. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể gửi năng lượng đến các vùng sâu vùng xa và các khu vực bị tàn phá bởi chiến tranh hoặc thiên tai".
Thủ đô Tokyo sẽ là thành phố đầu tiên tại Nhật Bản yêu cầu lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt Trời tại các khu nhà ở xây mới tại thành phố này.