Ngày 18-8, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị triển khai quyết định 569 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, ngành phục hồi chức năng là một trong những lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhu cầu phục hồi chức năng lớn. Ước tính có 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật, hiện có khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Dân số già hóa, mô hình bệnh tật, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh tâm thần, đại dịch COVID-19… làm gia tăng số người cần phục hồi chức năng.
"Mặc dù nhu cầu phục hồi chức năng là rất lớn, thế nhưng một số địa phương đã sáp nhập phục hồi chức năng với các cơ sở khác. Trong đó có 10 địa phương đã sáp nhập bệnh viện phục hồi chức năng vào bệnh viện y học cổ truyền, làm giảm số lượng bệnh viện phục hồi chức năng.
Phục hồi chức năng còn gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất còn chật hẹp, nhiều cơ sở phục hồi chức năng chưa tiếp cận được với người khuyết tật, thiếu sự kiểm soát chất lượng và các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ", ông Khuê nêu.
Chia sẻ tại hội nghị, TS Vũ Văn Hoàn - Viện Chiến lược và chính sách y tế - cũng cho rằng phục hồi chức năng tại Việt Nam hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
TS Hoàn phân tích theo ước tính của WHO thì có tới 10 - 15% là người khuyết tật. Như vậy, tại Việt Nam ước tính có khoảng 20 triệu người khuyết tật. Trong khi đó hệ thống phục hồi chức năng tại bệnh viện chỉ đáp ứng, tiếp cận được khoảng 20% người khuyết tật. Nguyên nhân do vị trí địa lý xa bệnh viện hoặc do kinh tế.
"Có tới 80% người khuyết tật sống ở cộng đồng, vì vậy cần đẩy mạnh mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Tức là phục hồi chức năng đến tận gia đình, cán bộ y tế có thể chuyển giao kỹ thuật, trình độ đến tận gia đình, người thân người khuyết tật.
Ví dụ bố mẹ bị tai biến, khuyết tật thì con cái có thể tập cho cha mẹ. Như vậy mới tăng cường việc phục hồi chức năng có hiệu quả đến người dân có nhu cầu", TS Hoàn nêu.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đưa ra những kiến nghị để triển khai chương trình, tăng cường đào tạo cán bộ y tế, mở rộng mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Bộ Y tế đưa ra chỉ tiêu đến năm 2030, 90% các tỉnh thành triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng đạt tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.
Một bé trai bị đột quỵ nhồi máu não liệt nửa người, mất chức năng sinh hoạt đã được phục hồi 80% chức năng sau 6 tuần điều trị.