Thị trường chứng khoán trên toàn thế giới vừa có một tuần sóng gió và đang hướng tới mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 3. Vấn đề về nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ FED nối trở lại các đợt tăng lãi suất tạo gánh nặng lớn lên tâm lý các nhà đầu tư.
Chứng khoán tương lai của Mỹ chuẩn bị bước vào phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, các chỉ số đều giảm điểm. Dow Jones Futures giảm 205 điểm, tương đương 0,6%. Trong khi đó, S&P 500 futures và Nasdaq Futures cũng lần lượt giảm 0,68 và 0,94%.
Và không chỉ thị trường chứng khoán. Nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng. Bitcoin vừa có phiên giảm tới 8% trong khi giá dầu cũng có tuần giảm đầu tiên kể từ tháng 6.
Chiến lược gia Emmanuel Cau của Barclays Plc lưu ý rằng: “Thị trường đang bị ảnh hưởng bởi một cơn bão hoàn hảo, trong bối cảnh lãi suất tăng vọt, dữ liệu Trung Quốc không khả quan và thanh khoản mùa hè kém”.
Xu hướng tránh né rủi ro được duy trì sau khi biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được công bố. Nội dung biên bản cho thấy các quan chức đang xem xét chính sách một cách chặt chẽ hơn, đồng thời dập tắt hy vọng rằng ngân hàng trung ương đã hoàn thành việc tăng lãi suất.
Các nhà đầu tư sẽ chờ đợi cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách tại Jackson Hole, tiểu bang Wyoming vào tuần tới để đánh giá tâm lý của FED.
Tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang cố hạn chế tình trạng bán tháo. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cam kết sử dụng các biện pháp để ngăn sự mất giá của đồng nhân dân tệ.
Cụ thể, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày ở mức cao hơn so với kỳ vọng thị trường. Chính quyền Trung Quốc cũng đang yêu cầu các ngân hàng quốc doanh tăng cường hỗ trợ đồng nhân dân tệ.
Các nhà phát triển bất động sản thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đang cảnh báo thua lỗ quy mô lớn. Điều này làm tăng thêm mối lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bất động sản lan từ khu vực tư nhân sang các công ty do chính phủ hậu thuẫn. Nhà phân tích Hebe Chen của IG Markets cho biết: “Chúng ta có rất nhiều điều không chắc về nền kinh tế Trung Quốc”.
Chứng khoán lao dốc trong bối cảnh khoảng 2,2 nghìn tỷ USD các hợp đồng quyền chọn gắn liền với cổ phiếu và chỉ số dự kiến đáo hạn trong ngày 18/8. Goldman Sachs Group Inc. cảnh báo rằng hoạt động này đang thúc đẩy đợt bán tháo gần đây trên thị trường.
Mặt khác, dầu Brent ghi nhận mức giảm đầu tiên sau chuỗi 7 lần tăng. Các nhà đầu tư đang cân nhắc những dấu hiệu thắt chặt nguồn cung trước lo ngại về kinh tế Trung Quốc và chính sách tiền tệ của Mỹ.
Theo Bloomberg
Xem thêm: nhc.358623491818032881-3-gnaht-ut-ek-tahn-et-naut-iot-gnouh-uac-naot-naohk-gnuhc/nv.fefac