Trên trang cá nhân, chị Hằng Bùi ở Hà Nội chia sẻ "đêm qua nhà Hằng có bão". Khi bài đăng của chị về mẹ chồng trong một group đã có tới 20.000 likes, 640 lượt comment, điện thoại chị "đơ" luôn, nhìn list tin nhắn chị cũng "đơ" luôn vì không biết làm sao trả lời được hết mọi người.
Nguồn cơn bắt đầu từ câu chuyện chị chia sẻ về việc "mẹ chồng có bạn trai". Chị Hằng về làm dâu của mẹ Hà đã 15 năm. Khi cậu con trai lớn của chị được 5 tháng tuổi (tức khoảng 14 năm trước), ba chồng chị qua đời sau thời gian dài chữa trị ung thư. Mẹ chồng thui thủi không còn nửa kia, không có ý định có một "ai đó" mới.
Tuổi nào cũng cần được yêu thương và chia sẻ
Trong 3-4 năm sau khi ba chồng mất, chị Hằng chứng kiến cuộc sống của mẹ tuy có con cháu nhưng bà vẫn có nét nào đó khép kín. Các con bận rộn, các cháu đi học nên cả nhà chỉ gặp nhau trò chuyện được chút ít vào bữa tối.
Thương mẹ, sau này chị trở thành người "nổi tiếng" trong xóm khi rất hay tìm cách "mai mối" tìm chồng cho mẹ mỗi khi gặp các bác: "Bác còn vợ không?", hoặc "Bác có ai, giới thiệu cho mẹ cháu với"...
Chị Hằng kể chị có một ước mơ là đưa ba mẹ hai bên đi du lịch nhiều nơi. Cả gia đình cũng đã có hai chuyến lái xe xuyên Việt. Khi đi với con cháu thì bà vui, nhưng các con chị đã lớn, thay vì đi nghỉ dưỡng như trước, anh chị muốn cho các con đi trải nghiệm, nhưng với những người lớn tuổi thì những chuyến đi như vậy quá sức với ông bà.
Vì vậy chị hay khuyến khích mẹ chồng mua tour để tham gia những chuyến đi nghỉ dưỡng với các ông bà cùng tuổi, nhưng lần nào mẹ chị cũng từ chối. Từ trong sâu thẳm, chị hiểu là mẹ chồng có phần "tủi thân" khi những ông bà khác có đôi còn mẹ chị lại có một mình.
Nhưng khi chị chưa kịp "mai mối" thì mẹ chồng chị đã có một "bạn trai" cùng tuổi. Bạn của mẹ chồng chị là hàng xóm nhà bác trai ấy, vợ bác đã mất 5 năm và hai con trai đều sống ở TP khác, bác ở Hà Nội một mình.
Mối quen biết bắt đầu năm 2022 và tháng 3-2023, theo như chị kể, hai bên gia đình đã tổ chức một bữa cơm ấm cúng. Ngày bác trai làm lễ ra mắt, có hoa, có bánh, có ban thờ tổ tiên, giường tủ mới...
"Nhìn nụ cười rạng rỡ của bà và ông giữa những lời chúc phúc rộn ràng từ bạn bè, con cháu, tôi thấy lòng chùng xuống, mừng vui, lo âu đan xen chộn rộn. Tôi ước nếu là duyên, mong cho hai người có thể sống đủ lâu để chậm rãi, thảnh thơi tận hưởng. Mong mẹ tôi có những ngày tháng thật vui" - chị Hằng viết.
Và đúng như chị mơ ước, ước mơ cho chính chị, là có một ngôi nhà gần biển, sống ở đó, sáng sáng đi chợ... Mẹ chồng chị đã có những chuyến đi như vậy đến Nha Trang, Phú Quốc, những người bạn cùng tuổi đến chơi, cùng trải qua một quãng thời gian đáng nhớ, cùng sẻ chia, quan tâm, chăm sóc...
Chị Hằng xúc động vì nhìn mẹ và bác lúc nào cũng rạng rỡ, đong đầy.
"Các con hãy chia sẻ với cha mẹ theo cách mới hơn"
Theo bà Tầm Xuân, chuyên gia tư vấn về hôn nhân - gia đình, gần đây bà bị ốm, phải phẫu thuật ở bệnh viện. Những ngày ấy không phải các con không hiếu thảo, chúng rất bận rộn với công việc, con nói "con xin nghỉ 1 ngày để trông mẹ" và vào ngủ với mẹ ở bệnh viện 1 đêm nhưng cũng không thể dài hơn, mình thông cảm với con.
"Những ngày ấy chồng tôi lo lắng cả, vừa chăm sóc vừa lo lắng, vẫn là con trông cha không bằng bà trông ông" - bà Xuân nói.
Bà Xuân cũng rất tán thành cách mà các con trong gia đình chị Hằng đã làm là ủng hộ, chia sẻ khi cha mẹ có hạnh phúc riêng, ở tuổi nào những chăm lo của người bạn đời cũng là cần thiết. "Đây có thể là tấm gương trong những câu chuyện tương tự" - bà Xuân chia sẻ.
Ở đoạn kết của câu chuyện này, những ngày qua câu chuyện của chị Hằng được nhiều người quan tâm, nhưng cư dân mạng đều chung cách nghĩ đây là câu chuyện tích cực, mong được lan tỏa đến mọi nhà.
TTO - Nhìn cảnh gà trống nuôi con, không ít người thấy thương cảm nhưng đôi khi không nhận ra chính người trong cuộc hạnh phúc với quyết định ấy.