Hôm 18-8, Tổng thống Biden đã nhắc tới Trung Quốc và Đài Loan khi trả lời một câu hỏi liên quan tới tình hình Ukraine.
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ở Trại David, ông Biden ca ngợi cách Nhật Bản phản ứng trước cuộc xung đột Ukraine.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Nhật Bản tại cuộc họp báo chung sau đó, ông Biden nói Nhật Bản đã thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ thông qua sự kiện G7, và đóng góp đáng kể trong các khoản viện trợ tài chính và nhân đạo, cũng như thiết bị quân sự không sát thương cho Ukraine.
"Và họ cũng tham gia cùng rất nhiều nước khác trong việc buộc Nga chịu trách nhiệm thông qua các lệnh trừng phạt", ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ khẳng định khi trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Kishida về Ukraine, ông đã không cần phải ra sức thuyết phục ông Kishida về bất cứ điều gì.
Đặc biệt, ông Biden nhắc lại lập luận lấy tình hình Đài Loan để cảnh báo các nước về Ukraine.
Ông nói: "Hãy tưởng tượng nếu chúng ta chẳng làm gì cả đi. Vấn đề lập tức được nhận ra, nếu tôi không nhầm, thưa ngài Thủ tướng, rằng chúng ta đang ở trong một tình huống có thể diễn ra bất cứ nơi đâu. Nếu chúng ta khoanh tay đứng nhìn, thì điều này sẽ gửi thông điệp gì cho Trung Quốc về vấn đề Đài Loan chứ? Tín hiệu mà chúng ta gửi đi trên thế giới sẽ là gì?".
Trung Quốc xem Đài Loan là một vùng lãnh thổ không thể tách rời. Bắc Kinh không ngần ngại khẳng định sẵn sàng dùng vũ lực thu phục Đài Loan nếu cần thiết.
Vì lẽ này, nhiều ý kiến từ phương Tây đã liên hệ câu chuyện Đài Loan với "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.
Trong các nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối chiến dịch của Nga, một số nước sát cánh với Ukraine thường lập luận rằng nếu không phản đối hành động của Nga, đây sẽ là tiền lệ để các nước khác hành xử tương tự. Trong trường hợp này, đó là viễn cảnh Trung Quốc thu phục Đài Loan bằng vũ lực.
Sự liên tưởng trên dẫn tới phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc, vốn khẳng định chuyện ở eo biển Đài Loan là "vấn đề nội bộ".
Hồi tháng 2 năm nay, cựu ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương từng kêu gọi các nước liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngừng kích động với tuyên bố "Ukraine ngày nay là Đài Loan của ngày mai".
"Chúng tôi kêu gọi các quốc gia liên quan lập tức ngừng việc đổ thêm dầu vào lửa, ngừng đổ lỗi cho Trung Quốc, và ngừng kích động tình hình bằng cách sử dụng các so sánh như Ukraine hôm nay, Đài Loan ngày mai" - tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời ông Tần.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhiều lần lên tiếng phản đối khả năng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang châu Á.
Câu chuyện này tiếp tục được phản ánh trong sự kiện lãnh đạo Mỹ, Nhật và Hàn Quốc gặp nhau ở Trại David ngày 18-8 nêu trên.
Đối với liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự gắn kết ba bên, góp phần xóa đi sự gượng gạo trong mô hình hợp tác này. Trước đây, chưa bao giờ các lãnh đạo của ba nước trên tổ chức một cuộc gặp riêng, đa phần bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhưng trong mắt Trung Quốc, đây cũng là một biểu hiện "kéo bè kéo cánh" nguy cơ gây bất ổn an ninh trong khu vực.
Tại cuộc họp báo ngày 18-8, ông Biden cũng lại nhắc nhở các nước châu Á rằng chuyện Nga - Ukraine phải là mối quan tâm chung về an ninh.
"Điều rất quan trọng là làm rõ ngay từ đầu về việc các hậu quả của cuộc chiến (Nga - Ukraine) lan rộng ra ngoài phạm vi châu Âu", tổng thống Mỹ nói.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông; gần 500.000 binh sĩ đã chết trong các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine; Thái Lan công bố nghị trình bầu thủ tướng… là những tin tức đáng chú ý.