Tại phiên giao dịch cuối tuần, diễn biến của chỉ số VN-Index đã khiến giới đầu tư choáng ngợp khi xuất hiện tình trạng bán thá ồ ạt, toàn bộ nhóm cổ phiếu trụ giảm sâu, đặc biệt là nhóm bất động sản khiến thị trường không thể tìm lại mức tăng.
Thêm vào đó, thanh khoản thị trường cũng lập kỷ lục với khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 1,6 tỷ cổ phiếu, thiết lập kỷ lục số cổ phiếu giao dịch trong một phiên trong suốt hơn 23 năm qua. Tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đã đạt gần 35.000 tỷ đồng, tương đương gần 1,5 tỷ USD.
Chịu áp lực bán mạnh, VN-Index đóng cửa "bốc hơi" hơn 55 điểm, tương đương 4,5% xuống 1.177 điểm. Toàn bộ thị trường được nhuộm sắc đỏ với hơn 999 cổ phiếu giảm giá, trong đó có 277 mã giảm sàn. Như vậy, toàn bộ thành quả tăng điểm trong tháng 8 đã bị “thổi bay” chỉ sau một phiên giao dịch.
Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số trong hơn một năm qua kể từ tháng 5/2022. Mức giảm 4,5% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á trong ngày 18/8. Vốn hóa sàn HoSE cũng mất 222.000 tỷ đồng, giá trị chỉ còn khoảng 4,7 triệu tỷ đồng.
Lý giải cho diễn biến trái chiều này, ông Phạm Tuyến - Giám đốc tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định rằng, sau chuỗi thời gian dài tăng trưởng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh từ tuần trước đó và đầu tuần này. Đặc biệt tại phiên ngày 17/8, thị trường cũng có lực bán rất mạnh vào cuối phiên khiến cho độ rộng thị trường khá lớn, vô hình trung tạo tiền đề cho phiên giảm 18/8.
Đáng chú ý, ông Tuyến cho biết theo diễn biến hai tuần gần nhất, nhiều nhóm cổ phiếu không hề có sự bứt phá mà chỉ đi ngang, thậm chí sụt dần đều, chỉ có một vài cổ phiếu tăng tốc mạnh mẽ mang yếu tố kỳ vọng.
“Do đó, khi sự kéo thốc thị trường của dòng tiền và lực cầu ngoài của nhà đầu tư mới không đủ, ắt nó sẽ phải giảm xuống”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Theo ông Tuyến nhìn nhận, đó là sự “kéo xả” của thị trường nhằm phân phối cổ phiếu. Khi thị trường đã tăng trong một giai đoạn dài, đủ để các nhà đầu tư có lãi, thậm chí nhiều cổ phiếu đã tăng 2-3 lần, thì khi lao dốc sẽ gây tâm lý hoảng loạn và bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư.
Phiên giảm mạnh 18/8 theo vị chuyên gia, diễn biến này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư " tỉnh giấc" bởi trong những phiên trước đó, thị trường đã giảm và được kéo lại ngay trong phiên giao dịch. Do vậy, phiên cuối tuần vừa rồi có thể sẽ "phá vỡ và bẻ gãy" xu hướng tăng của thị trường chứng khoán trong giai đoạn này.
Với đánh giá và góc nhìn cá nhân, ông Tuyến dự báo thị trường thời gian tới sẽ khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là tuần giao dịch tới sẽ có hiện tượng margin call diện rộng. Đồng thời, thị trường giảm sâu là lúc lượng cổ phiếu khổng lồ được bơm ra ngày một lớn hơn.
Do đó, để thị trường bình ổn trở lại sẽ phải mất một thời gian khá dài để có thể hấp thụ hết lượng cổ phiếu. Thêm vào đó, với tình trạng dòng tiền cũng rút khỏi thị trường, việc hồi phục sẽ còn mất nhiều thời gian hơn, ông Tuyến khẳng định.
Với thị trường hiện tại, ông Tuyến khuyến nghị nhà đầu tư rằng, nên chốt lời khi còn có lãi và phải bán dứt khoát. Đối với nhà đầu tư mua mới, cần thực hiện các bước hạ tỉ trọng đòn bẩy, thậm chí cắt lỗ để bảo toàn vốn.
Các thông tin vĩ mô thường phản ánh vào giá và quá trình tăng trưởng của thị trường. Vì vậy, để tránh được các cú giảm sốc như hiện nay, nhà đầu tư cần tỉnh táo để nhận biết sớm khi chưa quá muộn và sẵn sàng bán trước khi thị trường xác nhận xu hướng giảm trung hạn.