Chứng khoán giảm sốc gần 60 điểm
Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tuần (18-8) với kỷ lục mới được xác lập, có tới gần 2,3 tỉ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn.
Tổng trị giá mua bán cổ phiếu trong ngày dâng lên mức cao ngất ngưởng 41.141 tỉ đồng, tương đương 1,78 tỉ USD. Áp lực bán tháo bắt đầu ở nhóm bất động sản, sau đó lan rộng ra toàn bộ thị trường.
Sau khi giảm sốc gần 60 điểm, chỉ số chứng khoán VN-Index dùng dằng và chính thức đóng phiên với mức giảm 55,49 điểm, lùi xuống mốc 1.177,99 điểm, thấp nhất hơn một năm nay, xóa sạch thành quả cố gắng tăng điểm của bốn tuần liền trước.
Bám sát diễn biến, về nguyên nhân thị trường giảm sốc, ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Yuanta, cho biết điều đầu tiên phải chú ý là: "Tâm lý chủ quan đã kéo dài cả tuần nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trái ngược với diễn biến của thị trường thế giới".
Cụ thể, tại thị trường chứng khoán Mỹ bốn phiên gần đây đều "đỏ lửa". Nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay, chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn nữa để chiến đấu với lạm phát.
Theo đó, dòng tiền rút ra khỏi cổ phiếu, chảy vào trái phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã tăng vượt mốc 4,25%, cao nhất hơn 15 năm nay.
Mặc dù các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều đồng pha giảm điểm, nhưng bốn phiên đầu tuần này chứng khoán Việt Nam đi ngang (tâm lý chủ quan, kèm việc cổ phiếu "nhóm Vingroup" giữ giá), chỉ đến phiên kết tuần mới chính thức giảm sốc.
"Giọt nước tràn ly khi Evergrande nộp đơn bảo hộ phá sản tại Mỹ, khiến thị trường bán tháo luôn", ông Nguyễn Thế Minh nói về lý do tiếp theo.
Evergrande là tập đoàn bất động sản lớn thứ nhì Trung Quốc, hai năm trước đã tuyên bố vỡ nợ, gây nên cuộc khủng hoảng trầm trọng kéo dài đến tận nay cho ngành bất động sản tại đất nước tỉ dân.
Song song đó, ông Minh cho rằng nhà đầu tư cũng bị "dính đòn tâm lý": "Từ tháng 5-2023 đến nay thị trường đi lên liên tục, không có phiên giảm mạnh, đa số sợ bán sẽ mất hàng, ai cũng ôm. Nhưng khi thị trường thủng mốc 1.200 điểm, nhiều người sợ mất thành quả tích lũy nên đè ra bán tháo".
Ngắn hạn rất xấu, nhưng chứng khoán vẫn là "chỗ trũng hút tiền" trong trung và dài hạn
Về thị trường sắp tới, ông Nguyễn Thế Minh đưa ra hai kịch bản. Kịch bản đầu tiên, chứng khoán vẫn giảm tiếp, VN-Index rớt xuống vùng hỗ trợ 1.160 điểm hoặc xấu hơn là 1.125 điểm. Khi đó nhà đầu tư không cần bán cổ phiếu bằng mọi giá vì có thể bị hớ, mà canh mua ở hai vùng trên, phân bổ tỉ trọng từng phần, lướt giảm giá vốn. Kinh nghiệm trong lịch sử chứng khoán Việt là sau pha giảm sâu thị trường sẽ tăng sốc.
Kịch bản thứ hai là phiên đầu tuần tới thị trường không giảm mà có thể đánh thốc - tăng mạnh. Lúc này có thể nhân cơ hội để bán ra, chờ nhịp giảm sâu hơn mua vào.
Theo ông Minh, mặc dù thị trường trong ngắn hạn đang xấu, nhưng trung và dài hạn ở xu hướng tăng, nhà đầu tư không cần quá hoảng loạn.
"Những người đã lỡ cơ hội mua cổ phiếu hồi tháng 5, có thể mừng vì đợt giảm lần này sẽ giúp họ dễ bước vào thị trường hơn", ông Minh chia sẻ.
Ông Trần Minh Hoàng - trưởng phòng phân tích và nghiên cứu của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cùng cộng sự - nhận định xu hướng VN-Index đang tương đối tiêu cực. Nhà đầu tư nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỉ trọng, chứ không cần thiết bán bằng mọi giá.
Có thể chú ý những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và không biến động nhiều trong thời gian qua để kiếm cơ hội giải ngân khi thị trường ổn định lại.
Ngày 17-8, Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở New York, Mỹ.