Mỹ ban hành sắc lệnh cấm đầu tư công nghệ Trung Quốc
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp, cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào công nghệ cao ở Trung Quốc. Sắc lệnh này cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực: Chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực vào năm sau.
Theo đánh giá, Trung Quốc cũng không bất ngờ với Sắc lệnh này. Bởi lâu nay Trung Quốc đã chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược về công nghệ với Mỹ.
Cụ thể, doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán đầu tư mạnh công nghệ, tăng gấp 2,6 lần trong 5 năm. Ngoài ra, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc có nhiều chính sách để huy động các doanh nghiệp tư nhân mạnh đầu tư vào mấy lĩnh vực công nghệ then chốt sẽ được nhiều ưu đãi của Chính phủ. Nghĩa là cả chính quyền và doanh nghiệp Trung Quốc đều ý thức được phụ thuộc vào công nghệ phương Tây là mang đến nhiều rủi ro cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Trung Quốc được cho là đã chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược về công nghệ với Mỹ
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh Sắc lệnh phản tác dụng và có thể có tác động bất lợi. Giáo sư Lý Vỹ, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, Sắc lệnh có tác động nghiêm trọ ng đến lợi ích doanh nghiệp hai nước và gia tăng mâu thuẫn trong quan hệ song phương.
Còn người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, cho rằng các quan chức trong chính quyền ông Biden đã khẳng định họ không có ý định chia tách với Trung Quốc, nhưng những gì Mỹ thực sự làm là liên tục chia tách và cắt đứt chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc từ lâu đã là điểm đến của vốn đầu tư mạo hiểm Mỹ, nhưng đã chậm lại đáng kể khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Theo nhà cung cấp dữ liệu PitchBook, tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ vào Trung Quốc từ năm ngoái đến nay ước tính giảm mạnh hơn 80%, từ mức 2,4 tỷ USD vào năm 2022, nhưng đến quý II/2023 chỉ có 200 triệu USD.
Lệnh cấm của Mỹ thực sự ảnh hưởng đến Trung Quốc?
Nhiều bài phân tích và xã luận trên báo Trung Quốc để chứng minh Mỹ tự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động. Nó chỉ làm cản trở sự hợp tác bình thường và xói mòn niềm tin của nhà đầu tư Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, lệnh cấm này có tác động không lớn đối với Trung Quốc vì gần đây Mỹ ít đầu tư vào lĩnh vực này tại Trung Quốc.
Mỹ hiện là đối tác thương mại thứ 3 của Trung Quốc sau ASEAN, châu Âu. Trung Quốc đưa ra các số liệu để cho rằng môi trường đầu tư tại nền kinh tế số 2 vẫn tốt, mặc cho nhiều chính sách của Mỹ ngăn cản các nước đồng minh đầu tư công nghệ vào nước này.
Dẫn chứng 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc tăng gần 36% về vốn, riêng ngành công nghệ cao vẫn tăng 7,9%. Tốc độ tăng mạnh nhất là Pháp tăng 173%, Anh 135%, Nhật 53%...
Sau thời gian khó khăn, Huawei đã có lãi trở lại (Ảnh: Bloomberg)
Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã nỗ lực tự chủ công nghệ, sau một thời gian bị thiệt hại nặng vì lệnh cấm bán chip. Như Huawei, gần đây công ty này đã bắt đầu có lãi trở lại trong báo cáo 6 tháng đầu năm. Hay gần đây CATL vẫn là nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023, chiếm 36,8% thị trường toàn cầu, với pin mới trình làng chỉ cần sạc 10 phút là xe ô tô điện chạy được 400km…
Nghĩa là các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc ngày càng ý thức để sản xuất bền vững phải đầu tu mạnh để tự chủ công nghệ.
Nguy cơ gây gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu?
Không thể phủ nhận sự cạnh tranh công nghệ giữa hai cường quốc sẽ có những tác động nhất định ở Trung Quốc. Ở phía ngược lại, Mỹ cũng không tránh khỏi những hệ lụy. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang chọn đứng ngoài cuộc vì lo sợ các biện pháp cứng rắn hơn nữa đang đợi ở phía trước.
Theo ông Heron Lim, chuyên gia phân tích của Moody's Analytics, một số nhà đầu tư Mỹ chỉ có thể chờ xem quy tắc mới sẽ được thực thi thế nào vào năm sau, trước khi đưa ra quyết định. Họ có thể chuyển dịch dòng vốn sang nơi khác, nhưng rất khó để có thể tìm được một cơ sở sản xuất có lợi thế về quy mô và chi phí cạnh tranh như Trung Quốc. Về lâu dài, chi phí chất bán dẫn sẽ đắt hơn, và gánh nặng này sẽ chuyển sang cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Sắc lệnh mới này của Mỹ không chỉ có nguy cơ cản trợ lợi ích chung của các công ty bán dẫn thế giới, mà còn tác động đến như mô hình phát triển toàn cầu của ngành công nghệ, vốn đã mất nhiều thập kỷ để hình thành.
"Hiện tại nhiều công nghệ trên thế giới có thể hoán đổi, chia sẻ giữa các quốc gia với nhau. Nhưng một khi việc trao đổi bị hạn chế, các quốc gia sẽ tự phải phát triển công nghệ của riêng mình. Đối với tôi đây là một mối lo ngại lớn. Một số công nghệ tự phát triển khi đó sẽ tốn kém hơn, và không đồng nhất khiến việc sử dụng gặp nhiều khó khăn", ông Heron Lim đánh giá.
Xung đột công nghệ Mỹ - Trung có nguy cơ gây gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu (Ảnh: Bloomberg)
Chuyên gia từ hãng phân tích Moody's nhấn mạnh mặc dù động thái mới của Mỹ đề cập một phạm vi rất hẹp, nhưng không thể loại trừ trường hợp các lệnh cấm từ Mỹ trở nên "hà khắc" hơn trong tương lai. Khi đó các hạn chế đầu tư vào công nghệ sẽ làm cản trở sự hợp tác thương mại giữa 2 nước, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư và nguy cơ gây gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới vốn đang chật vật phục hồi trước các "cơn gió ngược".
Trước những tác động, rủi ro như vậy, cho nên cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hồi năm 2018, đã phải vận động để loại bỏ điều khoản sàng lọc các khoản đầu tư sang Trung Quốc, khi mà đề xuất này được đưa ra trong Đạo luật Hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump
Cuộc cạnh tranh công nghệ sẽ ngày càng gay gắt?
Theo nguồn tin của Reuters, Mỹ đã thuyết phục các nước đồng minh nhằm đi đến sự đồng thuận cao nhất có thể để hạn chế dòng vốn đổ vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực này không hề đơn giản. Như các quan chức Nhật Bản nói rõ ràng Tokyo không có ý định sửa đổi luật đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết Anh, Đức, cũng như Ủy ban châu Âu (EC) đã bày tỏ quan tâm đến việc phát triển các cơ chế đầu tư ra nước ngoài tương tự như cách làm của Mỹ.
Theo ông Heron Lim, chuyên gia phân tích của Moody's Analytics, trải qua giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch khiến các nước trên thế giới nhìn nhận rõ hơn vai trò của chất bán dẫn. Nhiều quốc gia trong khối EU cũng có chung một quan điểm cần phát triển một sáng kiến về đạo luật chip.
"Do vậy theo tôi khả năng cao EU sẽ sớm có hành động sau Mỹ, bao gồm về đầu tư, hay quy định các công ty EU làm việc với Trung Quốc ra sao. Có một số quốc gia thành viên EU đã đi trước, như Hà Lan quyết định hạn chế xuất khẩu thiết bị công nghệ cao sang Trung Quốc từ tháng 6. Tuy nhiên, để có một quy tắc đồng nhất trong khối sẽ mất nhiều thời gian hơn nhiều", ông Heron Lim đánh giá.
Cuộc đối đầu công nghệ Mỹ - Trung có thể tiếp tục "nóng" trong thời gian tới (Ảnh minh hoạ)
Trong bối cảnh cuộc đối đầu công nghệ Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, nguồn vốn khi không được chuyển đến Trung Quốc, có thể sẽ rẽ hướng sang các khu vực khác, nhiều quốc gia châu Á đã nhanh chân, chuyển động để tổ chức lại chuỗi cung ứng, thu hút dòng vốn nước ngoài.
Như Ấn Độ, trong tháng 7 vừa qua, nước này đã ký một biên bản ghi nhớ, tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản, quốc gia có các công ty mạnh về quy trình đầu cuối và thiết bị sản xuất chip, để thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Hay tại Thái Lan, chính phủ nước này đã mở rộng các khoản giảm thuế doanh nghiệp dành cho các hãng chip và tập trung mạnh vào việc thu hút các công ty tham gia vào chất bán dẫn.
Và còn Singapore, Malaysia hay Việt Nam… cũng đều đang nghiên cứu và ban hành cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI công nghệ cao trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.41830710191803202-gnurt-ym-ehgn-gnoc-tod-gnux/et-hnik/nv.vtv