Theo thống kê dựa trên hồ sơ doanh nghiệp của Hãng tin Bloomberg, hiện có 18 trong số 38 công ty xây dựng thuộc diện doanh nghiệp Nhà nước (SOE) niêm yết trên sàn Hong Kong và trong nước báo cáo lỗ trong 6 tháng đầu năm 2023.
Trong khi các năm trước, như năm 2022 chỉ có 11 công ty SOE thua lỗ, năm 2020 chỉ có 4 công ty SOE báo lỗ.
Thực trạng trên báo hiệu các công ty xây dựng nhà nước không còn miễn nhiễm với tình trạng sụt giảm giá nhà ở kéo dài 2 năm qua - điều đã làm suy yếu nền kinh tế và gây ra hàng chục vụ vỡ nợ của các công ty tư nhân.
Những tuần gần đây, các nhà chức trách đã tăng cường cam kết hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, dù các nhà phân tích vẫn nghi ngờ các biện pháp này sẽ không đủ để sớm vực dậy thị trường.
Bà Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cao cấp tại Công ty nghiên cứu tài chính CreditSights Singapore, cho biết: “Sự chậm lại của thị trường bất động sản Trung Quốc đã gây tổn hại cho tất cả các nhà xây dựng, bao gồm cả những công ty lớn có liên kết với chính phủ. Chúng tôi không mong đợi tình hình sẽ cải thiện đáng kể trong giai đoạn tới”.
Kể từ tháng 7 đến nay, giá nhà mới tại Trung Quốc giảm liên tục. Trong các công ty thua lỗ có cả một số công ty xây dựng lớn nhất thuộc sở hữu của chính quyền trung ương. Trong đó, Công ty TNHH Shenzhen Overseas Chinese Town Co Ltd. thua lỗ tới 1,7 tỉ nhân dân tệ (233 triệu USD), đây là khoản lỗ đầu tiên của công ty này kể từ khi niêm yết năm 1997.
Theo nhà phân tích tín dụng Andrew Chan của trang Bloomberg Intelligence, các khoản lỗ sẽ làm giảm khả năng tiếp nhận các dự án còn dang dở do các công ty thuộc khu vực tư nhân vỡ nợ để lại, khiến tâm lý người mua nhà càng bị sứt mẻ.
Để cứu vãn tình hình suy thoái bất động sản đang diễn ra, trong một động thái bất ngờ hôm 15-8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất mạnh nhất trong 3 năm đối với các khoản vay một năm.
Cũng kể từ tháng 6, có 100 trong số 343 thành phố của Trung Quốc đã hạ sàn lãi suất thế chấp nhà mới hoặc loại bỏ mức tối thiểu bắt buộc, PBOC cho biết trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý vào ngày 17-8.
Điều đó đã đưa tỉ lệ thế chấp trung bình của Trung Quốc lên 4,11% trong tháng 6, giảm 0,51 điểm phần trăm so với một năm trước đó.
Ngày 17-8, Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở New York, Mỹ.