Chia sẻ bên lề Hội nghị Đột quỵ TP.HCM năm 2023, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội - cho biết việc điều trị đột quỵ tại nước ta đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đủ bao phủ lượng bệnh nhân ngày một tăng.
Tăng trung tâm đột quỵ vẫn không đủ
Theo ông, Việt Nam có trên 100 trung tâm đột quỵ. Tuy nhiên, do chưa làm tốt cấp cứu trước viện nên người dân chưa nhận biết được triệu chứng đột quỵ, còn tin vào các phương pháp điều trị dân gian, làm trì hoãn thời gian vàng điều trị.
Một thử thách lớn nữa là xe cấp cứu hiện nay rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng tại Trung tâm cấp cứu 115, số lượng xe cấp cứu hiện nay đã tốt hơn so với trước đây, nhưng hầu như không đủ đáp ứng cho tất cả các bệnh viện.
PGS Huy Thắng cho biết số trung tâm đột quỵ hiện nay có tăng nhưng vẫn không đủ bao phủ số bệnh nhân quá lớn tại Việt Nam. Mỗi năm nước ta có trên 200.000 bệnh nhân mắc bệnh này, trong khi đó chỉ có 100 trung tâm đột quỵ.
"Như vậy mỗi đơn vị phải điều trị ít nhất 2.000 bệnh nhân mỗi năm. Điều này đã quá tải vì theo chuẩn mực thế giới, một trung tâm đột quỵ chỉ nên điều trị khoảng 500 ca/năm", ông kết luận.
Cũng theo PGS Huy Thắng, số lượng bệnh nhân được tiếp nhận cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM không đồng đều. Bên cạnh đó, số bệnh viện có tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ tất cả các ngày, giờ trong tuần (24/7) rất ít và còn nhiều khó khăn.
Ví dụ TP.HCM có hơn 20 bệnh viện điều trị đột quỵ, nhưng số lượt bệnh nhân ở các bệnh viện tối đa 1.000 - 2.000 ca/năm, trong khi tại Bệnh viện Nhân dân 115 là gần 20.000/năm.
"Đây là con số quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và là gánh nặng đối với bệnh viện tiếp nhận rất đông bệnh nhân đột quỵ", PGS Huy Thắng chia sẻ.
Coi chừng tiền mất vì nhầm lẫn quảng cáo tầm soát đột quỵ rầm rộ
PGS Huy Thắng khuyến cáo bệnh nhân từ trên 60 tuổi nên làm xét nghiệm thường quy, ít nhất mỗi năm/lần nhằm phát hiện sớm để đưa ra phương án phòng tránh, điều trị tốt bệnh đột quỵ.
Lưu ý là người dân không được nhầm lẫn giữa điều trị phòng ngừa với các chiến dịch tầm soát được quảng cáo rầm rộ với chi phí đắt đỏ, gây tốn kém mà không cần thiết.
Nhiều người lầm tưởng tầm soát đột quỵ là phải chụp MRI, CT-Scan, làm các xét nghiệm với chi phí cao, nhưng hiệu quả vẫn là dấu chấm hỏi.
"Không ai đi chụp MRI, CT-Scan cho tất cả những người bình thường để tầm soát. Đôi khi vô tình phát hiện trong đầu có một túi phình nhỏ, can thiệp quá mức đôi khi trở nên đột quỵ do lo sợ quá mức.
Người bệnh chỉ cần gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá yếu tố nguy cơ cơ bản, đơn giản, không tốn kém nhiều mà mang lại hiệu quả", PGS Thắng nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam tin rằng nước ta sẽ có thêm nhiều trung tâm đột quỵ trong thời gian tới, nhưng quan trọng hơn là nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân đột quỵ.