Đồng chủ trì buổi đối thoại còn có Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Lập, và hơn 600 đại biểu, đại diện cho hơn 26.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố (TP)...
Đại diện DN đặt câu hỏi với lãnh đạo TP Hải Phòng.
Tại buổi đối thoại, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Đồng hành, sát cánh cùng DN thông qua việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.
"Tôi xin được nhấn mạnh là lãnh đạo thành phố luôn cầu thị lắng nghe các vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng tới DN, với tinh thần đồng hành để DN phát triển. Sự thành công của các DN chính là thành công trên chặng đường phát triển của thành phố và là sự thành công của chính quyền… Cá nhân tôi, cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy sẽ chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để những cam kết ngày hôm nay với DN sớm có kết quả; phúc đáp phần nào những mong mỏi, tâm tư, nguyện vọng và khát vọng của cộng đồng DN, doanh nhân thành phố" - Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định.
Thường trực Thành ủy Hải Phòng đối thoại với 600 doanh nghiệp.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng, cho biết trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 DN thành lập mới tại Hải Phòng, vốn đăng ký trung bình một DN đạt trên 8 tỉ đồng.
Theo ông Lê Anh Quân, tính đến hết tháng 7-2023, tại Hải Phòng có 26.535 DN đang hoạt động. Trong đó, có 25.734 DN thuộc khu vực tư nhân (chiếm 96,98%); 73 DN nhà nước (chiếm 0,28%) và 769 DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 2,74%).
DN tư nhân những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, tăng nhanh cả về số lượng lẫn quy mô và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong GRDP chung, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động. Sự phát triển của kinh tế tư nhân chính là động lực, nền tảng quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế của thành phố. Đến nay, DN khu vực tư nhân đã tham gia hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh từ công nghiệp, thương mại, y tế, giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ.
Theo cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khu vực DN tư nhân chiếm 34,63% GRDP toàn thành phố, đóng góp lớn nhất trong các khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Tại hội nghị, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã nhận 21 phiếu đăng ký phát biểu kiến nghị trên tổng số 122 câu hỏi, kiến nghị của cộng đồng DN trên địa bàn được ban tổ chức tổng hợp.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định cam kết lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết .
Đại diện DN đặt câu hỏi với lãnh đạo TP Hải Phòng.
Theo đó, các DN tập trung kiến nghị vào vào 10 nhóm vấn đề liên quan khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học công nghệ; vấn đề về đất đai, quy hoạch, xây dựng; vấn đề về dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần sau cảng; vấn đề về thuế, hỗ trợ tín dụng, lãi suất, vốn vay...
Trên cơ sở phân tích tình hình DN khu vực tư nhân nói chung và DN Hải Phòng nói riêng, UBND TP Hải Phòng định hướng 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển và hỗ trợ DN, tăng cường nội lực của DN trên địa bàn.
Các nhóm giải pháp bao gồm hoàn thiện, ban hành sớm các chính sách, quy định trên địa bàn; tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của DN khu vực tư nhân, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng và DN phát huy năng lực tự lực, tự cường...