Cũng theo dự thảo này, chỉ có người lái xe bị nghiêm cấm có nồng độ cồn, có ma túy hoặc các chất kích thích bị cấm khác, dùng tay sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác. Còn giáo viên dạy lái xe thì không.
Hiện luật không cấm
Trừ việc sử dụng ma túy là đương nhiên bị cấm với tất cả mọi người theo Luật Phòng, chống ma túy 2021, giáo viên dạy thực hành lái xe, với tư cách là "người được chở trên phương tiện," không bị cấm có nồng độ cồn hoặc sử dụng điện thoại, máy nghe nhạc, máy vi tính,… khi đang hướng dẫn thực hành lái xe theo các quy định pháp luật giao thông đường bộ hiện hành.
Các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp, mà đào tạo lái xe là một phần, cũng không có quy định cấm nào tương tự với nhà giáo trong khi giảng dạy.
Riêng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có quy định nghiêm cấm viên chức, người lao động uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc. Như vậy, nếu giáo viên uống rượu, bia vào tối hôm trước mà đến sáng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong người thì không hề vi phạm.
Giáo viên dạy lái xe có ảnh hưởng đến an toàn giao thông
Tuy nhiên, giáo viên dạy lái xe trên thực tế là một "người được chở" đặc biệt. Người được chở này bắt buộc phải có mặt, ngồi đúng vị trí và chịu trách nhiệm hướng dẫn việc lái xe, có quyền can thiệp khi cần thiết bằng hành động, như sử dụng phanh phụ, phanh tay và cả nhoài người sang để xoay vô lăng để "bảo trợ tay lái", đảm bảo an toàn giao thông trong suốt quá trình luyện tập.
Pháp luật, mà cụ thể là Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cũng quy định rằng "giáo viên để học viên thực hành lái xe vi phạm quy tắc giao thông đường bộ thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm đó."
Muốn làm được điều này, các giác quan của giáo viên phải hoạt động không khác gì người lái xe bình thường, thậm chí còn nhiều hơn. Cụ thể, người hướng dẫn cũng phải liên tục quan sát các báo hiệu đường bộ, tình trạng giao thông xung quanh, thời tiết, đường sá để xử lý mọi tình huống.
Ngoài ra, giáo viên còn phải liên tục quan sát hành động, thái độ, cảm xúc của người học để hỗ trợ họ về cả tâm lý lẫn thao tác lái xe.
Do vậy, rõ ràng hoạt động giảng dạy thực hành lái xe ít nhất cũng đòi hỏi tâm trí tỉnh táo và tập trung như khi điều khiển phương tiện.
Thậm chí, khi bị thiếu tỉnh táo hay mất tập trung, giáo viên còn có thể có lời nói, hành động gây lúng túng, mất bình tĩnh cho người học, gia tăng nguy cơ bị tai nạn giao thông cao hơn bình thường.
Lái xe … kiểu Úc: Giáo viên hướng dẫn, người giám sát cũng phải chịu trách nhiệm
Luật An toàn đường bộ Úc quy định "persons are to be taken to be in charge of a motor vehicle", tạm dịch là "người điều khiển phương tiện cơ giới", tức là "người lái xe" theo pháp luật Việt Nam, gồm 5 đối tượng và tất cả đều không được sử dụng ma túy, có nồng độ cồn hay các loại thuốc điều trị ảnh hưởng đến việc lái xe:
(a) Người đang cố khởi động hoặc lái phương tiện cơ giới;
(b) Người mà có cơ sở hợp lý để tin rằng người đó có ý định khởi động hoặc lái phương tiện cơ giới;
(ba) Người giám sát phương tiện lái tự động (vehicle supervisor) có giấy phép ADS có hiệu lực và đang hoạt động ở chế độ tự động;
(c) Giáo viên hướng dẫn lái xe (commercial driving instructor) đang giảng dạy hoặc lái phương tiện;
(d) Người giám sát lái xe (supervising driver - người tập lái xe cho người khác không phải vì mục đích thương mại, như cha mẹ tập cho con) khi đang ngồi bên cạnh để giám sát người tập lái.
Như vậy, có cơ sở để quy định nghiêm cấm có nồng độ cồn, có ma túy hoặc các chất kích thích bị cấm khác, dùng tay sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác với giáo viên dạy lái xe khi giảng dạy trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Mặt khác, cũng cần có định nghĩa về "giáo viên dạy lái", hoặc "sát hạch viên bảo trợ tay lái" trong Luật này để có cơ sở pháp lý làm rõ trách nhiệm, trong trường hợp xảy ra sự cố khi luyện tập hay sát hạch lái xe.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nên quy định người hướng dẫn, giám sát lái xe cũng phải chịu trách nhiệm như người lái xe?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bộ Công an vừa xây dựng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với nhiều điểm mới như phải nhường đường cho người đi bộ, trẻ em không được ngồi hàng ghế lái, xe máy được chở ba người trong một số trường hợp...