Con đường thao túng kit xét nghiệm và hối lộ quan chức của tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt được thực hiện như thế nào?
Chiếm đoạt đề tài nghiên cứu
Theo kết luận, Phan Quốc Việt (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Việt Á) quen biết bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Văn Trịnh (trợ lý nguyên phó thủ tướng) và Nguyễn Huỳnh (thư ký của ông Long) là từ năm 2017 trong lễ khai trương một trạm y tế theo hình thức xã hội hóa đầu tiên tại TP.HCM.
Việt cũng có mối quan hệ thân thiết với Hồ Anh Sơn (phó giám đốc Viện nghiên cứu y dược học quân sự thuộc Học viện Quân y), Trịnh Thanh Hùng (vụ phó thuộc Bộ KH&CN) từ năm 2012 khi phối hợp tham gia nghiên cứu một đề tài cùng trường này.
Sau khi Việt Á thành lập năm 2007, Việt còn thành lập và điều hành 15 công ty khác cùng cửa hàng Âu Lạc, sử dụng pháp nhân của các công ty này làm "quân xanh", cung cấp báo giá hợp thức hồ sơ đấu thầu bán kit xét nghiệm cho các địa phương.
Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ KH&CN, Học viện Quân y đã giao Viện nghiên cứu y dược tiến hành nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm.
Lợi dụng việc này, Hồ Anh Sơn gọi điện cho Trịnh Thanh Hùng để giúp cho Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài và được Bộ Y tế cấp phép bán ra thị trường.
Đề tài này sử dụng kinh phí từ ngân sách nên kết quả nghiên cứu phải được bàn giao lại cho Bộ KH&CN.
Tuy nhiên Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu đề tài. Việt còn trao đổi, thống nhất với Trịnh Thanh Hùng và Hồ Anh Sơn để cho Công ty Việt Á lập hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm gửi Bộ Y tế.
Quảng bá rầm rộ
Sau kế hoạch chiếm đoạt đề tài nghiên cứu, Bộ Y tế cấp số đăng ký tạm thời cho Việt Á, ngày 5-3-2020, cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh và cựu thứ trưởng Phạm Công Tạc đã chỉ đạo để Bộ KH&CN tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu.
Bộ cũng ra thông cáo báo chí thể hiện kit xét nghiệm của Việt Á đã được cấp phép và năng lực sản xuất kit xét nghiệm của Việt Á, kết luận nêu.
Sau đó ông Chu Ngọc Anh chỉ đạo Trịnh Thanh Hùng tham mưu, phối hợp với Vụ Thi đua khen thưởng hoàn thiện thủ tục để cựu bộ trưởng này ký quyết định tặng bằng khen và đề nghị Thủ tướng khen thưởng cho Công ty Việt Á cùng Phan Quốc Việt.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và đẩy nhanh quá trình lưu hành kit xét nghiệm, Trịnh Thanh Hùng cùng Phan Quốc Việt còn cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tuyên truyền sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Đồng thời Hùng bàn bạc với Việt làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chứng nhận sản phẩm kit xét nghiệm cho Việt Á.
Mặc dù văn bản của WHO chưa cấp chứng nhận đạt chất lượng nhưng Trịnh Thanh Hùng đã cung cấp để đăng văn bản này lên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN và nhiều cơ quan báo chí dẫn theo.
"Việc khen thưởng, thông tin, tuyên truyền nêu trên góp phần đánh bóng hình ảnh, thương hiệu kit xét nghiệm và Công ty Việt Á", kết luận nêu.
Nâng khống giá gấp 3 lần vẫn được Bộ Y tế chấp nhận
Ban đầu khi bắt tay vào sản xuất thương mại để bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống giá cơ bản nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit xét nghiệm, Việt Á còn nói là đã giảm để "ủng hộ Chính phủ và Bộ Y tế" chống dịch.
Kết quả điều tra xác định với mục đích hưởng lợi nhuận cao trên 20%/kit xét nghiệm (không phải 5% như thống nhất với Bộ Y tế khi hiệp thương) và lót tay cho các quan chức, có tiền chi hoa hồng cho các cơ sở mua kit xét nghiệm, Công ty Việt Á đã nâng khống giá trị nguyên vật liệu đầu vào lên gấp nhiều lần.
Thực tế giá thành sản xuất kit xét nghiệm tối đa chỉ khoảng 143.461 đồng/kit xét nghiệm (đã bao gồm 5% lợi nhuận và tất cả chi phí) nhưng đã bị Việt "thổi" lên gấp hơn 3 lần.
Tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chấp nhận khi hiệp thương. Mức giá mà Bộ Y tế hiệp thương này bị kết luận là không có căn cứ.
Khi kiểm tra giá hiệp thương, Bộ Y tế xác định Việt Á đã thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng không đề nghị kiểm tra. Việc này giúp cho Việt Á được sử dụng giá 470.000 đồng để tạo thành mặt bằng chung bán cho các địa phương, thu lời bất chính.
Sau khi hiệp thương, theo đề nghị của Bộ Y tế, Công ty Việt Á đã bàn giao kit xét nghiệm cho các đơn vị, địa phương trên cả nước sử dụng phòng chống dịch.
Với mục đích để Việt Á được thanh toán tiền mua kit xét nghiệm theo kết quả hiệp thương, làm căn cứ để công bố giá lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Việt còn nhờ Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý nguyên phó thủ tướng) can thiệp, tác động Bộ Y tế thanh toán tiền.
Sau khi cấp dưới tham mưu, bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đồng ý dùng tiền từ nguồn tài trợ của bảy ngân hàng để thanh toán cho Việt Á.
Theo kết luận, từ việc nâng khống giá bán kit xét nghiệm, Công ty Việt Á đã hưởng lợi trái phép số tiền hơn 1.200 tỉ đồng.
Đưa hối lộ thế nào?
Cơ quan điều tra cáo buộc, để được tham gia nghiên cứu đề tài, kinh doanh kit xét nghiệm, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, bị can Việt đã đưa hối lộ 106 tỉ đồng, trong đó có 3 triệu USD và 4 tỉ đồng (tổng 82 tỉ đồng) cho 6 quan chức.
Trong đó ông Long nhận 2,25 triệu USD, thư ký Nguyễn Huỳnh nhận 54 tỉ đồng (đưa cho ông Long 50 tỉ, hưởng lợi 4 tỉ).
Dịp gần Tết Nguyên đán 2021, ông Long chỉ đạo Huỳnh bảo Việt đưa 1 triệu USD để xử lý công việc.
Lần thứ hai, Việt đưa 1 triệu USD cũng do ông Long đề nghị "chi phí xử lý công việc". Một lần khác, tại phòng khách quốc tế trụ sở Bộ Y tế, Việt gặp ông Long để bàn về việc sản xuất vắc xin phòng dịch COVID-19 và đưa cho cựu bộ trưởng một túi vải màu xanh, bên trong đựng 50.000 USD.
Còn thư ký Huỳnh, trong một buổi ăn cơm với Việt tại nhà riêng đã tâm sự mua ô tô sang phải vay ngân hàng nên đã được Việt chỉ đạo cấp phó của mình đưa hối lộ 2 tỉ đồng để Huỳnh trả tiền vay. Hai vụ trưởng thuộc Bộ Y tế cũng nhận hối lộ một người 300.000 USD và một người 100.000 USD.
Trong giai đoạn bán kit xét nghiệm cho các địa phương, Việt đưa hối lộ cho giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến 27 tỉ đồng...
Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự
Theo kết luận, bị can Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình (Bộ Y tế), đề xuất ông Nguyễn Trường Sơn (khi đó là thứ trưởng) ký quyết định cấp số lưu hành tạm thời cho kit xét nghiệm Việt Á.
Sau đó, ông Sơn tiếp tục ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức, dựa trên tờ trình của Vụ Trang thiết bị và công trình.
Ông Sơn thừa nhận Công ty Việt Á chưa đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành nhưng vẫn ký cấp số đăng ký tạm thời vì mong muốn kịp thời có kit xét nghiệm để phòng chống dịch và do nhận thức pháp luật hạn chế.
Về việc ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức cho Công ty Việt Á, ông Sơn cho rằng do hội đồng tư vấn đề xuất và Vụ Trang thiết bị và công trình báo cáo đủ điều kiện.
Dù biết một số điều kiện để cấp số lưu hành chính thức chưa được đảm bảo nhưng do tình hình dịch phức tạp, khẩn cấp và Chính phủ chỉ đạo khẩn trương có sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch nên ông vẫn ký.
Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Sơn có dấu hiệu tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tuy nhiên, ông Sơn không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Việt Á và không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.
Do vậy, căn cứ các quy định pháp luật và nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, miễn trách nhiệm hình sự cho ông Sơn, không khởi tố điều tra, không đề nghị truy tố.
Cơ quan điều tra cũng xác định cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho ông Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Y tế, kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương, sau đó dẫn đến việc Công ty Việt Á nâng giá kit xét nghiệm.
Tuy nhiên ông Cường cũng không thông đồng, thỏa thuận, không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Cơ quan điều tra xác định bị can Phan Quốc Việt, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã đưa hối lộ các quan chức tổng số tiền hơn 106 tỉ đồng, thu lợi bất chính 1.200 tỉ đồng.