Theo Wall Street Journal, lợi suất từ nhiều loại tài sản từ trái phiếu kho bạc Mỹ đến quỹ thị trường tiền tệ (money market funds) đều đang cao hơn giúp đem lại lợi nhuận bất ngờ cho các nhà đầu tư.
Trong tuần này, người dân Mỹ đã rót khoảng 36 tỷ USD vào các quỹ thị trường tiền tệ, tận dụng lợi suất tăng vượt mốc 5% - con số dường như là một “giấc mơ” trong thời gian gần đây.
Được biết, tỷ trọng tiền mặt trong các quỹ thị trường tiền tệ nhỏ lẻ đã tăng hơn 25% trong năm nay, lên 1,5 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang. Các quỹ từ các công ty bao gồm Vanguard Group, Charles Schwab và JPMorgan Chase cũng đang đưa ra mức lợi suất trên 5%.
Quỹ thị trường tiền tệ là hình thức quỹ đầu tư tương hỗ, được hầu hết các nhà đầu tư coi là “hầm trú ẩn” an toàn cho nguồn tiền mặt dự phòng. Ngoài ra, chúng không phải nguồn sinh lời duy nhất. Hiện tại, nhiều ngân hàng cũng đang trả lãi suất tiết kiệm trên 4%, sau nhiều năm lãi suất gần như bằng 0.
Dòng tiền mặt ồ ạt đã phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Mặt khác, kinh tế mở rộng đã thúc đẩy tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.
Đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn hạn cao hơn cũng đang mang đến cho họ cơ hội có thể làm điều mà họ chưa từng làm kể từ những ngày trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - gửi tiền vào nơi an toàn và được trả lãi cao.
Yaacov Teplow-Phipps (42 tuổi) làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở Briarcliff Manor, New York cho biết ông có thể kiếm được số tiền mặt tương đương 5% trong tổng số tiền đã gửi mà không phải làm gì và tránh được rủi ro.
Mức lãi suất cao do nhiều định chế tài chính đưa ra, cùng làn sóng tái cấp vốn mua nhà vào năm 2021 đã cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang trở nên khá giả hơn so với trước đây.
Thực tế điều này giúp giải thích tại sao nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ dù một số nhà kinh tế và nhà đầu tư từng dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái trong năm 2023.
Tương tự như nhiều người Mỹ, Teplow-Phipps cho biết bản thân ông vẫn chi tiêu như bình thường, vẫn “vung tiền” cho những hoạt động như đưa con cái đi cắm trại và sửa chữa cửa sổ trong nhà. “Chúng tôi không cắt giảm chi tiêu”, Teplow-Phips nói.
Tất nhiên, mọi diễn biến đều có rủi ro. Các ngân hàng khu vực đã phải chịu áp lực trong năm nay khi những người gửi tiết kiệm nhận ra họ có thể nhận được mức lãi suất cao hơn ở các nơi khác.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu vào tháng 3 là ví dụ điển hình nhất về điều này. Nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về triển vọng lãi suất cao hơn có thể tạo ra các vấn đề trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế mà họ và nhiều người khác chưa giải quyết được.
Nhưng hiện tại, những cá nhân như Barry Wong (44 tuổi) làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm đang được “lời” hơn. “Thật tuyệt”, Wong nói.
Tháng này, anh đã mở tài khoản Charles Schwab và mua trái phiếu kho bạc lần đầu tiên sau nhiều năm đầu tư vào cổ phiếu.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang tận hưởng sức mạnh của thị trường chứng khoán. S&P 500 đã phục hồi trong năm nay, tiếp tục củng cố danh mục đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân.
Theo WSJ, việc đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm đã đánh dấu sự thay đổi của xu hướng cổ phiếu - vốn được coi là một trong những kênh đầu tư tốt và sinh lời hấp dẫn nhất.
David Sadkin, một chuyên gia cấp cao tại Bel Air Investment Advisors cho biết: “Lần đầu tiên sau một thời gian dài, chúng tôi hoàn toàn thoải mái khi giữ tiền mặt trong tài khoản của mình. Chúng ta có thể quay trở lại cách phân bổ tài sản truyền thống, vẫn có lãi mà không phải chịu rủi ro quá mức”.
Sadkin cũng thường làm việc với những cá nhân có tài sản hơn 20 triệu USD. Ông nói rằng mình đã phân bổ 5% - 10% danh mục đầu tư của khách hàng vào gửi tiết kiệm, trái phiếu kho bạc hoặc quỹ thị trường tiền tệ. Ông cho biết cách đây 1 năm sẽ không có câu chuyện như vậy.
Thu nhập cao - một phần là nhờ các khoản lợi suất này tăng đã giúp thúc đẩy nền kinh tế nói chung. Các chuyên gia hy vọng Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong năm nay.
Tham khảo WSJ