Trong căn phòng ở tầng 1 của ngôi nhà tại quận Tân Bình (TP.HCM), Đông và Trang say sưa thả mình vào giai điệu bài Ca dao mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khiến người ta liên tưởng tới những đôi du ca nổi tiếng thế hệ trước.
Anh đàn em hát, bình yên giữa đời
Căn phòng có đàn piano, một vài tấm ảnh biểu diễn dán trên tường. Một bên phòng để số đạo cụ âm nhạc là nơi Đông đánh guitar cho Trang luyện giọng bằng nhiều dòng nhạc, mà nhiều nhất là nhạc Trịnh, điểm nhấn đưa đôi tình nhân trẻ trung mê du ca này đến gần với khán giả, kể cả những người trẻ tuổi thời nay.
Xem Nguyễn Đông - Hoàng Trang hát ca khúc ta đã thấy gì trong đêm nay gây 'bão mạng'
Đôi bạn đặc biệt yêu thích nhạc Trịnh, trong đó Trang đã theo đuổi dòng nhạc này hơn 10 năm và được gia đình ủng hộ.
Cô cho biết chất giọng được gọi gợi lên cảm xúc xưa cũ của mình chỉ đơn thuần hát theo bản năng, cảm xúc, chưa qua trường lớp đào tạo nào. Thời điểm mới hát, tuổi của cô cũng còn khá nhỏ, chưa nhiều vốn sống để có thể cảm thụ chiều sâu nhạc Trịnh.
Đông và Trang gặp nhau cách đây hơn 10 năm trước. "Một lần đi chơi gần hội quán Trịnh Công Sơn ở quận Bình Thạnh, tiếng hát của một cô bé phát ra làm mình chú ý. Khi đó, Trang chừng 12 tuổi, giọng hát là lạ. Mỗi tuần Đông chạy xe từ nhà tới cỡ 30km, rồi thành hội viên", Đông nhớ lại.
Video: Nguyễn Đông - Hoàng Trang, đôi tình nhân du ca nhạc Trịnh bài Ca dao mẹ
Nhiều năm sau, họ chọn gắn bó cùng nhau trong đời sống, tình yêu dần bền chặt theo năm tháng và trở thành cặp đôi du ca khá nổi tiếng trên mạng xã hội.
Mỗi ngày, Đông và Trang luôn dành thời gian tập luyện các ca khúc. "Mình nghĩ rằng biết bao người đã bỏ thời gian, tiền bạc để xem mình đàn hát, nên phải đầu tư tập luyện nghiêm túc, không phụ lòng khán giả", Đông nói.
"Bình thường Đông rất thoải mái nhưng vào tập luyện rất nghiêm khắc. Đông là người thầy của Trang. Anh là người lấy lại sự cân bằng và là chỗ dựa duy nhất của Trang trên sân khấu", Trang nói và cho biết cảm giác thoải mái nhất là khi cô say sưa thả mình trong lời hát mà không vướng áp lực gì, còn Đông bay bổng trong tiếng đàn.
Ngoài ca hát, Trang cũng tập tành "may chút chút quần áo cho bản thân". "Trang học may trên mạng và muốn sau này đi diễn có thể tự may, khi mặc vào có thể tự tin thoải mái", cô chia sẻ.
Dường như mọi thứ đến với đôi tình nhân Đông và Trang không chủ đích. Họ nói đó giống như hành trình rong ruổi cùng âm nhạc. Đông nhớ cách đây 4 - 5 năm, anh đi dạy đàn, Trang dạy thêm cho học sinh cấp II. Số tiền đó phục vụ việc xách xe đi lòng vòng Sài Gòn, có nhiều kỷ niệm và thêm cảm hứng trong âm nhạc.
Tới thời điểm hiện nay, sau hơn ba năm, Đông và Trang chưa ra sản phẩm hoàn chỉnh. Trên mạng chủ yếu là những clip do người khác, bạn bè quay lúc hai người ca hát. Đông cho biết một phần do dịch COVID-19, một phần do đã thu nhiều nhưng chưa ưng ý. Cũng có một số đơn vị đề nghị thu đĩa, băng cối...
Trang chia sẻ khi thu âm cũng như trên sân khấu, đôi khi Trang có chút áp lực tâm lý. Do đó trên sân khấu, họ tự đánh giá mình chỉ thể hiện được... 7 phần.
Trong ngành ca hát, nhất là với dòng nhạc xưa và môi trường cạnh tranh khốc liệt, đôi khi Trang lo mình không được như kỳ vọng của khán giả. Đôi khi cô nhận những góp ý trên mạng về âm nhạc của mình, và nhìn nhận đó là những góp ý chân thành để giúp mình hoàn thiện hơn.
Hát theo bản gốc, không phá cách
Nhạc Trịnh được xem là sợi dây kết nối giúp hai người đến với nhau. Trước đây khi còn nhỏ, Trang chưa từng nghĩ sẽ theo con đường âm nhạc. Khi mười mấy tuổi, cô chọn hát những bài có giai điệu vui. Sau này, cùng với Đông, anh giải thích về ca từ, và cô hiểu thêm vì sao một số bài hát lại đi vào lòng người.
Hoàng Trang nhận thấy những năm sau này mình có sự sâu lắng hơn. Theo cô, có những giai đoạn nhạc sĩ cũng trải qua tình yêu, có những nỗi buồn tuy khác thời đại nhưng có thể gần giống nhau.
"Ngày trước Trang hát với tinh thần người trẻ, không quá nặng nề về hiểu sâu. Sau này có thời gian lắng lại và nghiên cứu kỹ, ý lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì rất đặc biệt. Con người không thể tách khỏi đám đông, khi nghe nhạc Trịnh, ta được thư thái và chữa lành, cảm thấy được chia sẻ...", cô tâm sự.
Trong khi đó, Đông cảm nhận nhạc Trịnh như có ơn với mình, từ một người sống vội vã chuyển sang thích nhạc xưa.
Cô gái sinh năm 1997 cho biết hiện tại đang tìm lại những bài nhạc gốc để hát và không phá cách. Với Trang, có những bài hát qua thời gian nghệ sĩ có sự sáng tạo, nhưng khi tìm về bản gốc sẽ tìm thấy những ý niệm mà ta dễ đồng cảm.
Còn Đông nghĩ rằng càng tìm về bản gốc, họ càng tâm đắc. Nhạc Trịnh không dành riêng độ tuổi nào, cách dùng từ rất thật và dễ chạm tới nhiều tầng lớp. Anh và Trang muốn giữ gìn màu sắc, tinh thần âm nhạc Trịnh cũng như các dòng nhạc xưa khác để những giai điệu ca từ đến với nhiều người nghe hơn.
"Mỗi ca sĩ khi hát lên nếu đặt tâm hồn vào thì đã gửi câu chuyện riêng của mình vào và tạo nét riêng. Chỉ trừ khi ca sĩ hát không đặt cảm xúc, tình cảm thì bài hát mới giống nhau", Trang chia sẻ.
Hồi tháng 4, Đông và Trang tham dự đêm nhạc Giấc mơ Trịnh ở Hà Nội. Trong chuyến xuyên Việt vừa rồi, họ ghé Đà Nẵng, mua vé vào nghe danh ca Khánh Ly hát trong một chương trình. "Đó cũng là kỷ niệm vui của chúng mình khi được nghe trực tiếp giọng hát người nghệ sĩ mình ngưỡng mộ", Trang vui vẻ nói.
Chọn ca hát tự do để giữ nét riêng
Hiện trên mạng có nhiều clip biểu diễn của hai bạn nhưng chủ yếu do bạn bè, người xem đăng lên trong lúc Đông và Trang đi hát. Chàng trai cho biết hai bạn thường tham gia những chương trình mang tính nghệ thuật hơn là thương mại, ngoài ra cũng thường hát gây quỹ từ thiện.
Họ có kênh YouTube nhưng các clip đăng tải chỉ được quay đơn giản bằng điện thoại và mang tính kỷ niệm, giống như nhật ký lưu lại hành trình tuổi trẻ của cả hai, chứ không bật chế độ kiếm tiền từ nền tảng này dù lượt xem và bình luận khá cao.
"Một số người quan tâm cũng hỏi sao không tận dụng thời gian này để thu âm, thành danh nhưng Đông và Trang muốn ra sản phẩm chỉn chu. Đông rất vui và muốn giữ tình cảm quý mến tự nhiên của khán giả dành cho mình. Có thể mình kiếm được tiền và nổi tiếng hơn nhưng sẽ có những sai lầm không sửa chữa được. Đông và Trang muốn tránh điều đó", Đông nói.
Đến nay, Đông từng sáng tác bài Con đường của nắng, còn Trang cũng thể nghiệm viết một số bài nhạc. Nhìn lại hành trình đã qua, Trang thấy may mắn vì có Đông bên cạnh. Khi được biết tới, Đông đã tinh tế "ghìm" Trang lại để đừng vui quá sinh tự mãn. Theo Đông, chỉ bản thân mình biết mình muốn và thích gì.
"Do đó, trước mỗi chương trình, Đông và Trang chọn ưu tiên chương trình tôn vinh nghệ thuật hơn là thuần túy thương mại. Hai đứa thấy may mắn vì đã chọn con đường ca hát tự do không bó buộc. Chúng tôi muốn mình giữ được nét riêng, vẫn là mình, không bị chai cảm xúc", Trang trải lòng đam mê nghệ thuật.
Đã diễn ở nhiều nơi dọc chiều dài đất nước, nhưng Đông và Trang thích những không gian mộc mạc.
Chẳng hạn, cách đây vài năm hai người thường lui tới một quán cà phê nhạc ở gần Trường ĐH Nông lâm TP.HCM với nhiều sinh viên yêu âm nhạc. Hai người hát dòng nhạc xưa của nhiều nhạc sĩ, nhưng nhạc Trịnh giống như thay đổi con người của Đông.
"Khi hai đứa hát trên sân khấu và được cô chú anh chị thích, đó là niềm vui. Nhưng niềm vui nhiều hơn là khi hai đứa ngồi quán cóc, đi ăn cơm tấm lê la, có những bạn nhỏ tuổi nhận ra và nói "A, đây là cô hát bài Ta đã thấy gì trong đêm nay...". Đó là những niềm vui bình thường, ở bên ngoài sân khấu, là động lực để tiếp tục con đường ca hát", Hoàng Trang tâm sự.
--------------------
Mời các bạn xem nhạc trên Tuổi Trẻ Online
Trong các sự kiện văn nghệ của ngành giáo dục TP.HCM, cô giáo tiếng Anh Mai Phương Thảo hay được đồng nghiệp trầm trồ "hát hay như ca sĩ", và khi những bài hát của cô thu về triệu view thì cô quyết định dấn thân...