Đài RT ngày 19-8 cho biết ông Ali Lamine Zeine, thủ tướng được phe đảo chính tại Niger bổ nhiệm, khẳng định ông "chưa thấy ý định" tìm sự giúp đỡ của tập đoàn lính đánh thuê Wagner từ các tướng cầm quyền.
Tuy nhiên ông Zeine nhấn mạnh: "Đừng đẩy người Niger đến gần hơn với các thế lực bạn không muốn hiện diện ở đây".
Từ khi phe đảo chính tại Niger lên nắm quyền hồi cuối tháng 7, nhiều nước đã phỏng đoán việc phe đảo chính đang nhận sự trợ giúp từ Wagner. Ngày 5-8, Hãng tin AP khẳng định một trong những lãnh đạo phe đảo chính là tướng Salifou Mody đã gặp đại diện của Wagner trong chuyến công tác ở Mali trước đó.
Phía Wagner không bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên người đứng đầu tập đoàn này, ông Yevgeny Prigozhin, đã có những nhận xét ủng hộ về cuộc đảo chính ở Niger. Ông gọi sự kiện đó là "cuộc nổi loạn chính đáng của người dân chống lại sự bóc lột của phương Tây".
Trong khi đó, ngày 8-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng cuộc đảo chính "không được đạo diễn bởi Nga hay Wagner". Tuy nhiên Washington tin tập đoàn đánh thuê này sẽ nhân cơ hội tình hình loạn lạc để mở rộng ảnh hưởng lên châu Phi.
Bất chấp lời kêu gọi giải cứu và đưa tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum nắm quyền trở lại, Mỹ vẫn chưa có động thái ủng hộ thực hiện việc này bằng vũ lực. Thay vào đó Washington kêu gọi phục hồi chính phủ dân chủ ở Niger thông qua đối thoại.
Bên cạnh đó các quan chức Mỹ đều không gọi cuộc binh biến tại Niamey là "đảo chính" do lo sợ nếu làm vậy sẽ buộc Washington chấm dứt các thỏa thuận quân sự đã ký với chính phủ của ông Bazoum.
Mỹ hiện có 1.100 binh lính và nhiều căn cứ máy bay không người lái (drone) trên lãnh thổ Niger.
Ông Zeine ngợi khen quan điểm của chính quyền ông Biden là "quan điểm rất hợp lý". Tuy nhiên ông cũng bổ sung sẽ đến lúc phải xem lại thỏa thuận hợp tác quân sự với Washington.
Ngày 13-8, các nhà lãnh đạo trong cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum của Niger cho biết họ sẽ "truy tố" vị tổng thống này về tội "phản quốc" và "phá hoại an ninh" của quốc gia.