Mới đây, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về việc mở rộng các đối tượng được mua nhà ở xã hội nhằm phục vụ nhu cầu cho người dân có thu nhập thấp, đồng thời có chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, Luật nhà ở hiện hành quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 49), bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định; Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Hiện nay dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, theo đó tại Điều 73 dự thảo Luật, ngoài những đối tượng đang được quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung thêm 1 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân.
Trong nhiều năm vừa qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đến nay đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội (cụ thể như: các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...).
Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 294 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, với tổng diện tích khoảng 14.425.000 m2.
Tuy nhiên, với kết quả hoàn thành như trên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài, ... một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo ý kiến của các Đại biểu Quốc hội sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV. Trong đó, hoàn thiện đề xuất sửa đổi các chính sách liên quan đến: quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, ... nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, ngày 03/4/2023, tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, trong Đề án đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Để góp phần thực hiện mục tiêu của Đề án, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Đề nghị bỏ quy định công nhân không đóng thuế thu nhập mới được mua nhà xã hội
Đó là kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, cử tri kiến nghị xem xét trình Quốc hội một số vấn đề trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như sau: Luật Nhà ở hiện hành quy định điều kiện để người lao động được mua nhà ở xã hội là không đóng thuế thu nhập cá nhân. Với quy định này, người lao động muốn thuê, mua nhà ở xã hội là rất khó. Bởi vì, trong khi giá cả thị trường luôn biến động và tăng cao, người lao động phải nỗ lực làm tăng ca, tăng giờ, mức thu nhập nhiều khi sẽ chạm đến con số bị đánh thuế, khi đó sẽ không bảo đảm điều kiện được mua nhà ở xã hội. Vì vậy, cử tri đề nghị xem xét, bỏ quy định này.
Cử tri cũng kiến nghị dự thảo Luật quy định theo hướng người lao động chỉ cần có hợp đồng lao động thời hạn từ 01 năm trở lên tại địa phương nơi có doanh nghiệp mà người lao động đang ký hợp đồng thì được mua và thuê nhà ở công nhân, nhà ở xã hội là phù hợp.
Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội (bao gồm cả hình thức mua, thuê, thuê mua) phải đồng thời đảm bảo 3 điều kiện.
Về nhà ở: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu (dưới 10 m2/người);
Về cư trú: Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này (trừ học sinh sinh viên);
Về thu nhập: phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Quy định nêu trên dẫn đến việc xác minh đối tượng, điều kiện...phức tạp, rườm rà, khó khăn cho người dân. Do vậy, hiện tại Chính phủ đang trình Quốc hội khóa XV dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng giảm các điều kiện khi thuê, mua nhà ở xã hội, trong đó quy định cụ thể tại Điều 75, Điều 90 của dự thảo về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: Nếu thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập; Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ phải đáp ứng 2 điều kiện (nhà ở, thu nhập), trong đó điều kiện về thu nhập là thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; Nếu thuê nhà lưu trú công nhân thì chỉ cần có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp.
Về thuê nhà lưu trú công nhân, tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 quy định theo hướng cắt giảm điều kiện thuê nhà lưu trú công nhân: chỉ cần có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp là đủ điều kiện thuê nhà lưu trú công nhân trong thời gian làm việc (không quy định điều kiện về nhà ở, thu nhập).
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay, do nguồn lực của Nhà nước còn nhiều hạn chế nên việc cân đối nguồn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết, từ tháng 6/2016 đến nay, ngân sách nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng gần 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020 để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Các tổ chức tín dụng khác vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay. Vì thế, việc quy định về điều kiện thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội là cần thiết nhằm tập trung giải quyết nhà ở cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp.
T.M