Chẳng biết từ bao giờ món thịt chó lại khiến dân tình tranh cãi nảy lửa. Một phe mê mẩn món cầy tơ, phe kia lên án ăn thịt thú cưng! Ở Hà Nội, chính quyền thời Pháp thuộc đã cấm thịt chó, thế nhưng lệnh cấm chẳng khác gì cấm rượu lậu, không khả thi.
Thời hiện đại, đã không ít lần chính quyền thủ đô bàn chuyện hạn chế "cầy tơ, tiểu hổ", thế nhưng vẫn như ném đá ao bèo.
Tuy nhiên, thực tế đang diễn biến là nhiều quán thịt chó vắng dần, những phố cầy tơ một thời trở thành quá khứ.
Lý do chính đáng nhất để dân nhậu miền ngoài xì xụp, lai rai với thịt chó là "giải đen". Chẳng có cơ sở nào chứng minh ăn cầy tơ cuối tháng giải được vận xui, nhưng các quán thịt chó ở Hà thành nhộn nhạo lên những ngày cuối tháng là đúng thực tế.
Kẻ ăn cầy để "giải xui cuối tháng"
Anh Tú phanh gấp xe máy khiến ông bạn phía sau xô nhào người tới. Chỉ tay vào quán bên đường, Tú hào hứng: "Làm tí cầy tơ giải đen! Cuối tháng rồi".
Ông bạn mắt sáng lên nhìn gã chủ quán bên đường đang quạt chả. Mùi thịt chó ướp riềng mẻ phảng phất ra phố khiến cái bụng rỗng của hai tay nhậu muốn nổi loạn.
Con phố Quan Nhân nho nhỏ thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) trên đoạn chưa đầy trăm mét có cả chục quán ăn với năm, sáu quán thịt chó. Khu vực ngay gần những con phố dày đặc cao ốc văn phòng như Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Ngụy Như Kom Tum...
Cuối tháng âm lịch, khách vào quán thịt chó đông gấp mấy lần ngày thường. Dân lao động chân tay có, dân văn phòng cũng có, nhưng có vẻ ít người trẻ hơn trước đây.
Cứ gần trưa hoặc xế chiều là chủ quán mang chậu than ra hè nướng chả. Dân Hà thành chỉ cần ngửi mùi riềng, mẻ cháy thơm lừng là biết khu nào bán thịt chó. Còn những gã thích chén thịt chó như Tú thì chỉ cần ngửi mùi cũng biết quán nào ướp nhiều riềng, quán nào mắm tôm ngon, quán nào quay thịt chuẩn, nấu rựa mận không dùng chất làm nhừ...
Nhóm bạn Tú bốn người cứ mỗi tháng lại tụ tập ở quán thịt chó để "giải đen". Vừa ngồi vào bàn, họ đã cầm bát mắm tôm lên ngửi ngửi, soi kỹ xem có đúng loại mắm tôm trứ danh Thanh Hóa hay không, rồi gọi đủ hấp, nướng, xào, ninh... và đặc biệt phải có dồi nướng.
Chủ quán chiều khách quen, thứ dồi chó béo ngậy, có cả đậu xanh, lá xương xông... Thỉnh thoảng ông chủ kiếm được cây mần tang (một loại cây vỏ xanh chứa tinh dầu) cuốn dồi chó, nướng than hoa - món để phục vụ mấy ông khách "sộp" thân thiết, kỹ tính và khiến những tay sành chết mê chết mệt.
Bốn gã không quên lôi ra mấy chai cuốc lủi. Thứ rượu nấu thủ công ở quê, ngâm với rễ ba kích tím Tú đặt mua tận Quảng Ninh. Tú kể quê ở Thái Bình, món đặc sản dân nhậu ngoài thịt chó còn phổ biến "tiểu hổ" (thịt mèo).
Từ ngày đi học rồi lập nghiệp, lấy vợ Hà Nội, Tú và nhóm bạn hay ăn nhậu thịt chó vì hợp khẩu vị và đặc biệt là hợp túi tiền. Cả nhóm bốn người chén no phè, say oặt ra mới hết dăm, sáu trăm nghìn.
Hồi mới tậu được căn chung cư, Tú ăn mừng bằng... đặt hai mẹt thịt chó đủ món, lôi bạn về nhà nhậu, vợ gã chỉ ngửi mùi đã chạy vào nhà vệ sinh ọ oẹ. Vợ Tú người Hà Nội không bao giờ động đến thịt chó. Gã nói cô ấy đi du học nhiều năm nên "không ăn thịt chó nhưng giả cầy thì chén tì tì!".
Mấy ông bạn Tú hưởng ứng, ông nào cũng khoe cái được của vợ là không cấm tiệt chồng ăn thịt chó, đã vậy lại tin vào chuyện tâm linh, may rủi. Đầu tháng, ông nào nhắc đến thịt chó thịt mèo, kể cả thịt vịt, là các bà vợ sửng cồ lên, cấm tiệt! Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nhưng cuối tháng thì... ăn được.
Thực tế đầu tháng âm lịch, ở Hà Nội rất khó tìm thịt chó. Nhưng cuối tháng, mùi chả nướng, rựa mận lại thơm lừng góc phố. Tú luôn tự hào là trưởng nhóm. Gã nhiệt tình hô một tiếng là bạn bè hưởng ứng. Gã khoe đã chén đủ "bảy bảy bốn chín" phong vị cầy tơ miền Bắc. Riêng ở Hà Nội, khu vực nào gã cũng tìm được quán thịt chó ngon, từ khu phố cổ cho đến ngoại thành.
"Hơn chục năm trước, cầy tơ nổi tiếng ở Nhật Tân rồi Tam Trinh. Dãy phố hàng chục quán, tha hồ chén! Nhưng chẳng hiểu sao đến giờ các "thủ phủ thịt chó" ấy không còn, các quán tản mát về các con phố nhỏ hoặc dạt ra ngoại thành", Tú trầm ngâm có vẻ tiếc rẻ.
Tuy nhiên, gã cũng cười thừa nhận nếu cuối tháng muốn tìm thịt chó "giải đen" thì chỉ... 1 phút 30 giây. Quán thịt chó giảm đi, nhưng với người muốn ăn thì vẫn còn thừa mứa.
Người nói "ăn thịt chó chỉ có xui thêm"
Ở miền Nam, theo các bậc cao niên, chuyện ăn thịt chó từ hiếm hoi cũng bắt đầu nhiều dần khoảng từ giữa những năm 1950 theo dòng dân di cư vào. Sài Gòn xuất hiện những khu nổi tiếng thịt chó như Xóm Mới (Gò Gấp), Ông Tạ, Nghĩa Hòa (Tân Bình), Bắc Hải (quận 10), Xóm Chiếu (quận 4)...
Tuy nhiên, kiểu đi ăn thịt cầy cuối tháng để "giải đen" gì đó rất ít được nghe nói tới. Và không chỉ với dân nhậu thịt chó là người miền Nam, mà người miền ngoài vào cũng rất ít nói câu này.
"Tôi từng ở khu Ông Tạ sau năm 1960 nổi tiếng về thịt chó, nhất là thịt chó mổ sẵn để bán cho người ta về nấu. Sau đó, tôi chuyển về khu Hiệp Nhất gần ngã tư Bảy Hiền cũng nhiều người ăn thịt chó, nhưng hiếm khi nghe nói ăn thịt chó để giải đen, giải xui gì cả. Đầu tháng kiêng ăn chó vì sợ xui, sao cuối tháng ăn chó lại giải xui được?
Nơi tôi ở thỉnh thoảng có nghe nói về thịt thú nuôi này thì thường chỉ hai ý: dân nhậu nói món ngon nên ăn, không ăn mai mốt chết thì tiếc; hoặc người không ăn thì khuyên kiêng thịt chó, cũng như không ăn thịt trâu, thịt ngựa - những con vật nghĩa tình và có ích với con người" - bà Trần Thị Thu Hòa, 77 tuổi, một người Bắc di cư ở đường Hiệp Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM), kể.
Theo bà Hòa, những người di cư đã ăn thịt chó tại khu bà ở thì ăn quanh năm, chẳng để ý đầu tháng cuối tháng gì cả, thậm chí những ngày lễ lạt người ta còn ăn nhiều hơn vì lý do đơn thuần là... tụ họp được đông người thân thiết.
Người miền Nam cũng ăn thịt chó, nhưng có vẻ không nhiều, mà chủ yếu là dân nhậu khoái "mồi bén", chứ rất hiếm cảnh phụ nữ hay người già, trẻ em ngồi thoải mái ăn thịt chó như món ăn thông thường.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Thiệu - 55 tuổi, Trường tiểu học Nguyễn Văn Nguyên, huyện Đức Huệ, Long An - kể mình sống ở địa phương này từ năm 1976 và chưa bao giờ nghe ai nói ăn chó "giải hạn".
"Địa phương tôi chủ yếu là người miền Nam, sau năm 1975 mới có một số người Bắc đi kinh tế mới. Theo đó, số người ăn thịt chó nhiều hơn, nhưng thật tình tôi chưa nghe ai nói ăn vật nuôi này để giải xui cả, hiếm hoi ai đó có nói thì chỉ nói ăn vào sẽ gặp xui xẻo thôi" - thầy giáo Thiệu kể thêm ông thấy chủ yếu người miền Nam ăn thịt cầy là dân nhậu, chứ hiếm thấy ai không nhậu nhẹt mà ăn chó như món ăn bình thường.
Đã mê thịt chó thì bất kể ngày giờ
"Tôi thấy dưới vùng này, dân nhậu đã khoái thịt chó bất kể ngày giờ gì cũng ăn được. Còn người đã không ăn do kiêng cữ tâm linh không ăn chó, ăn trâu ngựa vào sẽ gặp xui xẻo.
Người không tin gì nhưng vẫn không ăn vì thấy các con vật này gần gũi, thiết thân con người", thầy giáo Nguyễn Xuân Thiệu kể mình quan sát thấy thực tế gần đây quán thịt chó và người ăn thịt chó vùng này đã giảm rõ rệt.
-----------------
Nhật Tân từng là "thủ phủ thịt chó" với hàng chục quán giờ đã không còn. Chủ quán và dân nhậu đi đâu?
Kỳ tới: "Thủ phủ thịt chó" nay còn đâu
TTO - 'Vitamin gâu gâu, cờ tây đi…', đó là những lời mà trước đây người ta hay rủ rê nhau sau giờ làm việc. Nhưng hiện nay chuyện này nghe có vẻ ít đi, người rủ rê nhậu nhẹt món này ít mà người bán cũng vắng dần.