Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án sửa đổi Luật Căn cước công dân.
Theo đó, dự thảo luật đề xuất cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi. Việc cấp này không bắt buộc mà dựa trên nhu cầu của người dân.
Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh, có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị quy định yêu cầu, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, trách nhiệm của cha, mẹ, người giám hộ trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước.
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý để quy định cụ thể hơn về yêu cầu, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi và trách nhiệm của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong việc sử dụng, quản lý căn cước của người dưới 14 tuổi.
Bên cạnh đó, đã rà soát, lược bỏ và chỉnh lý một số nội dung khác có liên quan, đồng thời, chỉnh lý kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại các nội dung bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan để bảo đảm tính khả thi của dự thảo luật.
Về trình tự, thủ tục cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, dự thảo luật mới nhất đã nêu rõ, người dưới 14 tuổi hoặc cha, mẹ, người giám hộ của người này có quyền đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp căn cước.
Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi
Đối với người dưới 6 tuổi, cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công.
Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
Không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Đối với người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, khi thực hiện thủ tục cấp căn cước, cha, mẹ hoặc người giám hộ đưa người đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại dự thảo.
Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi kê khai, ký, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó theo quy định.
Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người đủ 14 tuổi trở lên
Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp căn cước.
Trường hợp chưa có thông tin của người đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người cần cấp căn cước phải thực hiện thủ tục cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người tiếp nhận thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp. Người cần cấp kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước. Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả căn cước. Trả căn cước theo địa điểm trong giấy hẹn.
Trường hợp người cần cấp có yêu cầu trả tại địa điểm khác, cơ quan quản lý căn cước trả tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì phải có cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cùng để làm thủ tục theo quy định.
Trường hợp từ chối cấp căn cước, cơ quan quản lý căn cước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Dự thảo cũng nêu Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.
Tờ trình của Chính phủ cho biết một số nước cũng có quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi như Algeria, Bỉ, Đức, Thái Lan…
Tuy căn cước không thay thế giấy khai sinh nhưng có thể tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, tiết kiệm kinh phí cho nhà nước, người dân trong việc cấp và sử dụng.
Mặt khác căn cước nhỏ gọn, tính bảo mật cao sẽ bảo đảm an toàn, đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh, các giao dịch dân sự khác...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới. Trên căn cước mới sẽ có những thông tin gì đang là điều được quan tâm.