Hôm 20-8, Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) thông báo: "Chandrayaan-3 dự kiến đáp xuống Mặt trăng vào khoảng 18h04 ngày 23-8-2023 theo giờ chuẩn Ấn Độ (19h34 cùng ngày theo giờ Việt Nam)". Sự kiện này sẽ được phát trực tiếp trên trang web của ISRO, YouTube, Facebook và các nền tảng khác.
Theo Đài BBC, nếu sứ mệnh Chandrayaan-3 thành công, Ấn Độ sẽ là quốc gia đầu tiên đưa tàu đổ bộ đáp xuống khu vực cực nam của Mặt trăng. Lúc đó Ấn Độ cũng sẽ là quốc gia thứ tư đạt được cú "hạ cánh mềm" (hạ cánh có kiểm soát) trên Mặt trăng sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.
Chandrayaan-3 là sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng thứ 3 của Ấn Độ, tiêu tốn ngân sách 6 tỉ rupee (khoảng 72 triệu USD). Tham gia sứ mệnh Chandrayaan-3 có một tàu đổ bộ tên Vikram, một chiếc rover (xe tự hành) nhỏ tên Pragyan, và mô đun đẩy.
Hôm 14-7, tên lửa LVM3 mang theo sứ mệnh này đã được phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan. Bộ đôi tàu đổ bộ - rover Vikram - Pragyan đã đi vào quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 5-8 và tách khỏi mô đun đẩy vào ngày 17-8.
Sáng 21-8, ISRO cho biết tàu đổ bộ đang lập bản đồ khu vực đáp và chụp ảnh bằng camera có khả năng "phát hiện và tránh nguy hiểm". ISRO nói những bức ảnh trắng đen mà camera này chụp được sẽ hỗ trợ họ "xác định khu vực hạ cánh an toàn - nơi không có đá hay rãnh sâu".
"Những hy vọng về việc Ấn Độ trở thành nước đầu tiên đáp xuống cực nam Mặt trăng đang gia tăng" - báo Wall Street Journal (Mỹ) bình luận ngày 20-8. Còn báo Times of India (Ấn Độ) viết vào ngày 21-8: "Bắt đầu đếm ngược cho sứ mệnh Mặt trăng đầy tham vọng của Ấn Độ - Chandrayaan-3 - khi tàu đổ bộ Vikram chỉ còn cách cực nam Mặt trăng 2 ngày".
Cực nam Mặt trăng là điểm xa nhất về phía nam trên Mặt Trăng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học bởi sự hiện diện của băng nước ở những khu vực bóng tối vĩnh cửu xung quanh nó. Băng nước có thể được dùng để chiết xuất nhiên liệu, oxy và nước uống - những thứ có thể phục vụ cho các sứ mệnh Mặt trăng trong tương lai.
Sứ mệnh Mặt trăng của Nga thất bại
Hôm 20-8, sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm đã thất bại, sau khi tàu vũ trụ Luna-25 của nước này mất kiểm soát và đâm vào Mặt trăng, theo Hãng tin Reuters.
Tên lửa Soyuz 2.1 mang theo tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 đã được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny hôm 11-8. Giới chức Nga cho biết với sứ mệnh này, tàu Luna-25 lúc đầu dự kiến đổ bộ xuống cực nam Mặt trăng vào ngày 21-8, đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên làm được điều này. Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra như mong đợi.
Nỗ lực thám hiểm Mặt trăng đầu tiên của Nga sau gần nửa thế kỷ đã thất bại khi tàu vũ trụ Luna-25 mất kiểm soát và đâm thẳng vào Mặt trăng.