Được Bill Gates chú ý
Kể từ khi ra mắt Wayve vào năm 2017, CEO Alex Kendall cảm thấy mình giống như “người bị bỏ lại” phía sau trong ngành công nghiệp ô tô tự lái.
Wayve là công ty chuyên về phần mềm công nghệ xe tự hành không người lái có trụ sở tại London. Trong nhiều năm, Kendall và người đồng sáng lập Amar Shah đã tuyên bố công ty của họ “đi ngược trào lưu” và là một giải pháp thay thế cho các công ty như Alphabet và Tesla.
Wayve tập trung hoàn toàn vào trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi hầu hết các công ty trong ngành sử dụng các thiết bị như camera, radar và cảm biến lidar.
Khi AI trở thành cơn sốt, Wayve đã được chú ý và mọi công sức của Kendall đã được đền đáp. Ít ai ngờ, từ một “người ngoại đạo”, công ty của anh đã gây được ấn tượng với tỷ phú Bill Gates trong một buổi “test ride” - chạy thử nghiệm ở London, hợp tác với Microsoft về phát triển AI và đã nhận được hơn 200 triệu USD tài trợ mới từ các nhà đầu tư bao gồm Microsoft và Virgin. Định giá của công ty có khả năng đạt mức trên 1 tỷ USD, theo báo cáo của CNBC vào năm ngoái.
Hiện tại, Kendall không còn cảm thấy như người “nằm ngoài” cuộc chơi và tương lai của Wayve đã trở nên triển vọng hơn. Thành công đó là nhờ sự kiên trì theo đuổi mục tiêu và tầm nhìn dự đoán của vị CEO trẻ chỉ mới 29 tuổi. “Trong 5 năm qua, chúng tôi đã luôn theo đuổi phương pháp này nhưng nó đã bị hoài nghi. Cho đến hiện tại, mọi thứ đã thay đổi. AI hay deep learning không còn là một công nghệ viển vông hay xa vời”, Kendall chia sẻ.
Suy nghĩ hoàn toàn mới
Kendall lớn lên ở New Zealand. Khi còn là sinh viên, anh đã chế tạo một trong những chiếc máy bay không người lái tự chế đầu tiên tại khu vực, được ghép lại với nhau từ “rất nhiều thứ có thể mua được từ cửa hàng điện tử địa phương”, anh nói.
Năm 2017, Kendall lấy bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực deep learning (một nhánh của AI) và thị giác máy tính (computer vision) tại đại học Cambridge. Khi đó, anh đã tham gia phát triển một thuật toán có tên là semantic segmentation - phân loại các pixel trong một hình ảnh thành các lớp ngữ nghĩa.
Đây là nền tảng cho Wayve. Khi được áp dụng cho công nghệ tự lái, nó có thể giúp ô tô xử lý hình ảnh về môi trường xung quanh, ví dụ lộ trình và xác định các phương tiện khác gần đó.
Cách tiếp cận này được gọi là AV2.0. Nó khác với hầu hết kỹ thuật - vốn sử dụng kết hợp giữa hệ thống AI, camera, radar và cảm biến để tạo bản đồ 3D về khung cảnh khi lái xe, sau đó lên kế hoạch cho các tuyến đường.
Mục tiêu của Wayve là xây dựng một hệ thống AI đủ tiên tiến để hoàn toàn không cần bản đồ 3D. Nếu thành công, nó có thể đưa ra các quyết định giống như con người trong thời gian thực mà không cần lộ trình được lên kế hoạch trước và giảm giá thành ô tô bằng cách giảm số lượng thiết bị cao cấp cần thiết. Có thể thấy, phần mềm tự lái hoàn toàn của Tesla hiện tại có giá bán là 15.000 USD.
Thử nghiệm thành công
Shah cũng có bằng tiến sĩ của đại học Cambridge, trong lĩnh vực machine learning. Khi anh và Kendall ra mắt Wayve, nhiều gã khổng lồ công nghệ lớn cũng vừa đầu tư hàng tỷ USD vào việc chế tạo các phương tiện tự động.
Bộ đôi đã tận dụng làn sóng đó và kiếm được khoảng 3 triệu USD tiền đầu tư, thuê một ngôi nhà dân gần trường đại học để làm trụ sở chính của doanh nghiệp startup. Kendall nói: “Chúng tôi đã chế tạo nguyên mẫu chiếc xe đầu tiên trong nhà để xe”.
Cụ thể, Shah và Kendall đã chế tạo một nguyên mẫu trong vòng chưa đầy 6 tháng, trang bị cho chiếc SUV Jaguar I-PACE chạy điện với công nghệ tự động để lái thử vòng quanh khu nhà.
“Đây là lần thử nghiệm thành công đầu tiên trên thế giới về một chiếc ô tô ứng dụng công nghệ deep learning (AI) từ đầu tới cuối và chạy trên một tuyến đường chưa được lập bản đồ sẵn”, Kendall nói.
Vào năm 2019, Wayve đã nhận được khoản tài trợ 20 triệu USD từ một nhóm do công ty liên doanh Eclipse đứng đầu. Công ty chuyển đến một văn phòng ở London và bắt đầu mở rộng quy mô. Shah rời đi vào năm 2020 và Kendall đảm nhận vị trí CEO.
Đầu năm nay, công ty đã khởi động một chương trình giao hàng tự động cho Asda, một trong những chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất của Anh. Hiện tại, vẫn có tài xế bên trong xe để tránh trường hợp không may xảy ra. Anh cho biết cuộc thử nghiệm kéo dài một năm và tiếp cận hơn 170.000 cư dân ở các khu vực khác nhau trong thành phố.
Thách thức
Khởi nghiệp chưa bao giờ là hành trình màu hồng. Kendall nói mục tiêu của họ là tiếp tục cải thiện phần mềm AI cho đến khi phương tiện không cần có người ngồi bên trong.
Tiếp đến là sự cạnh tranh. Những công ty hàng tỷ USD như Tesla, Alphabet và General Motors đã có một khởi đầu thuận lợi. Wayve cũng có nhiều đối thủ sử dụng AV2.0 và được tài trợ khủng, như Ghost Autotomy hay Waabi.
Kendall nói, khi Wayve lần đầu tiên ra mắt, anh rất lạc quan về những thách thức mà công ty phải đối mặt. Giờ đây, anh coi chúng là nhân tố thúc đẩy để ngày một phát triển hơn.
Tham khảo CNBC