Phó thủ tướng cho biết Thủ tướng hết sức quan tâm đến công tác quản lý, phát triển các thị trường việc làm, bất động sản, đất đai lành mạnh, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích cho doanh nghiệp, người dân. Hiện nay, căn cứ chính trị, pháp lý đối với các thị trường việc làm, bất động sản, đất đai, khoa học công nghệ ở Việt Nam rất rõ ràng.
Đề xuất bổ sung các loại hình bất động sản phải giao dịch qua sàn
Về sàn giao dịch bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đến hết 2020, cả nước có trên 1.600 sàn giao dịch bất động sản, góp phần hạn chế các giao dịch phi chính thức, chống thất thu thuế, cung cấp thông tin về thị trường bất động sản cho cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản không bắt buộc phải thông qua sàn. Quy định về điều kiện thành lập sàn còn nhiều bất cập gây khó khăn trong công tác quản lý, tạo kẽ hở cho các sàn giao dịch bất động sản lách luật.
Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục hoàn thiện và duy trì hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, theo hướng bổ sung các loại hình bất động sản phải giao dịch qua sàn.
Mục tiêu để chống thất thu thuế; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch; hình thành công cụ quản lý thông tin của Nhà nước...
Đối với hoạt động giao dịch quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết thị trường quyền sử dụng đất đã hình thành nhưng hoạt động thiếu ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững, chưa có sự liên thông với thị trường sản xuất khác.
Sàn giao dịch quốc gia về bất động sản cho cả khu vực công và tư
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị thành lập sàn giao dịch bất động sản bao gồm giao dịch quyền sử dụng đất bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa đất đai và tài sản gắn liền với đất; phù hợp với Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng, Luật Kinh doanh bất động sản.
Kết luận nội dung này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần hình thành sàn giao dịch quốc gia về bất động sản và quyền sử dụng đất, áp dụng cho cả tài sản công và khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho các sàn giao dịch tư nhân phát triển lành mạnh.
Theo đó, các bộ ngành cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản pháp lý quy định vị trí, mối quan hệ giữa sàn giao dịch bất động sản công lập và tư nhân.
Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn của doanh nghiệp, hàng hóa tham gia giao dịch trên sàn; cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành và trách nhiệm của các sàn giao dịch đối với doanh nghiệp, hàng hóa giao dịch trên sàn; cơ chế kết nối thông tin, dữ liệu giữa các sàn giao dịch…
Trong đó, ông Hà lưu ý "cần có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất mang tính chất dân sự, không có mục đích kinh doanh thực hiện trên sàn giao dịch".
Cần hình thành sàn việc làm trực tuyến quốc gia
Về sàn giao dịch việc làm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết hiện cả nước có 82 trung tâm dịch vụ việc làm công lập. Có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tư nhân để kết nối cung cầu thị trường lao động. Hoạt động các sàn còn bất cập.
Thực tiễn cho thấy cần thiết hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia kết nối với các sàn giao dịch trực tuyến hiện có.
Vì vậy, ông Thanh kiến nghị cần xây dựng, ban hành quy định về chuẩn hóa trong thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu việc làm để chia sẻ, kết nối thông tin dịch vụ việc làm công lập và tư nhân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát...
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong thời gian tới, thị trường lao động cần có sàn giao dịch việc làm quốc gia. Ông đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn hóa dữ liệu, kết nối các trung tâm, sàn giao dịch việc làm công lập, tư nhân thúc đẩy mô hình sàn giao dịch trực tuyến.
Thủ tướng vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-8.