vĐồng tin tức tài chính 365

Những sứ giả của tiếng Việt khắp thế giới

2023-08-22 11:10
Các giáo viên tham gia buổi tập huấn giảng dạy tiếng Việt tại Hà Nội vào ngày 21-8 - Ảnh: NAM TRẦN

Các giáo viên tham gia buổi tập huấn giảng dạy tiếng Việt tại Hà Nội vào ngày 21-8 - Ảnh: NAM TRẦN

Mỗi thầy, cô ấy là những sứ giả mang tiếng Việt đi muôn nơi.

Cô giáo Hằng và chuyện "trào nước mắt"

Cô Đặng Thị Thu Hằng có 11 năm dạy tiếng Việt tại Tân Trúc (Đài Loan). Cô tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ và sử dụng kiến thức được học để làm việc tại trung tâm ngoại ngữ khi định cư ở Đài Loan.

Nhưng sau này cô Hằng lại gắn bó với việc dạy tiếng Việt ở xứ người. Hiện tại cô là hội trưởng Hiệp hội Phát triển văn hóa tân di dân - một tổ chức do cô lập ra để dạy tiếng Việt và giới thiệu, lan tỏa văn hóa Việt Nam.

Ở đó, cô Hằng và một số giáo viên đã dạy miễn phí tiếng Việt cho trẻ em. Trong số đó có những đứa trẻ gia đình có yếu tố Việt Nam (bố, hoặc mẹ là người gốc Việt), cũng có những đứa trẻ là người Đài Loan.

Cô Hằng kể: "Có một kỷ niệm khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều, nó từng khiến tôi trào nước mắt. Hồi đó, tôi đã dạy tiếng Việt một thời gian nhưng cũng chỉ xem đó là một công việc bình thường, có nhu cầu thì mình dạy.

Một ngày, tôi gặp một người bố đến xin học tiếng Việt cùng hai con. Anh là người Đài Loan còn vợ anh là người Việt Nam. Không lâu trước đó, người vợ không may qua đời. Người nói tốt tiếng Việt duy nhất trong nhà không còn nữa nên anh đã quyết định đăng ký để ba bố con học tiếng Việt".

Người bố kể với cô Hằng: "Tôi muốn bằng việc học tiếng Việt, tôi có thể giữ kết nối được với bố mẹ vợ tôi ở Việt Nam, để các con biết và gìn giữ tiếng Việt của mẹ. Đó là cách thiết thực để bố con tôi nhớ đến mẹ chúng".

Kể lại chuyện này, cô Hằng vẫn nghẹn ngào nói: "Lần đầu tiên tôi biết đến ý nghĩa của tiếng Việt trong một tình huống cụ thể. Cảm xúc đó thật khó diễn tả.

Điều đó đã khiến tôi thay đổi rất nhiều trong tâm thế đối với công việc mình đang làm. Nó không hoàn toàn là một công việc làm theo nhu cầu nữa mà có gì đó thiêng liêng, có tình yêu và trách nhiệm".

Mãi sau này khi đã dấn sâu hơn vào việc dạy tiếng Việt, cô Hằng mới hiểu phải có một tình yêu, một ý nghĩa đặc biệt để theo đuổi thì cô và cộng sự mới hết mình với một công việc nhiều khó khăn.

Cô Hằng cho biết đặc thù việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài cần nhiều tài liệu, học liệu trực quan để hỗ trợ và tổ chức các hoạt động học tập nhưng tài liệu và học liệu đều khó tìm kiếm.

"Nhọc nhằn nhưng vì sao em vẫn gắn bó?". Trả lời câu hỏi này, cô Hằng cho biết cô cảm nhận được hạnh phúc từ những thay đổi của học trò.

Lớp tiếng Việt miễn phí ở Vientiane

Trở về từ Lào là "cô giáo", doanh nhân người Lào gốc Việt Viengkeo Douangchaleun, 40 tuổi, có tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Thu Huyền. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Huyền cho biết bà vốn không xuất thân từ môi trường sư phạm.

Nhưng khi nhận ra chính con mình và nhiều con em gia đình kiều bào tại Lào không nói tốt hoặc thậm chí không biết tiếng Việt, bà đã xin phép chùa Phật Tích và Hội người Việt Nam ở thủ đô Vientiane để mở các lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại chùa.

"Tôi sắm sửa cho lớp học mọi vật tư bàn ghế, sách bút đến các trang thiết bị", bà Huyền nói. Lớp học không chỉ trở nên nổi tiếng trong cộng đồng con em kiều bào mà còn thu hút cả những người Lào yêu thích tiếng Việt hoặc muốn học để chuẩn bị đi Việt Nam du học, làm việc.

Vì không có nghiệp vụ sư phạm nên ban đầu bà Huyền đã tự tìm hiểu các kỹ năng dạy tiếng Việt trên mạng. Nhờ sự trợ giúp của một vài người bạn, bà đã có thể mua các giáo trình trực tuyến để nghiên cứu và áp dụng vào lớp học.

Sau một thời gian, lớp học được Đại sứ quán Việt Nam tại Vientiane quan tâm hỗ trợ các giáo trình chính thức từ Bộ GD-ĐT Việt Nam. Đồng thời, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng gửi tặng lớp học rất nhiều sách bài tập tiếng Việt.

"Với học viên là người Lào, tôi thường dạy đánh vần, đọc và phân tích ý nghĩa của những đoạn văn miêu tả về nhiều địa danh nổi tiếng và nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Với học viên là con em kiều bào, tôi thường giảng về lịch sử hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước qua những trang sử hay bài ca tiếng hát", bà Huyền chia sẻ về phương pháp giảng dạy của riêng mình.

Trong một lần đưa tác phẩm Tiến quân ca vào bài giảng, "cô giáo" này không khỏi xúc động khi các học trò kiều bào đã nhanh chóng nhuần nhuyễn ca khúc ấy: "Có lẽ vì mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng và được nghe giai điệu hào hùng ấy từ những ngày bé thơ nên các bạn ghép vần, đọc được rất nhanh. Cả lớp đã cùng đồng thanh hát vang quốc ca của Việt Nam".

Lớp học tiếng Việt của cô giáo Hằng ở Đài Loan - Ảnh: nhân vật cung cấp

Lớp học tiếng Việt của cô giáo Hằng ở Đài Loan - Ảnh: nhân vật cung cấp

Nhiều lý do để chọn tiếng Việt

Bà Lê Thị Bích Hường (60 tuổi), giảng viên chính bộ môn tiếng Việt tại khoa châu Á và Bắc Phi học của Đại học Ca' Foscari (Venice, Ý), cho biết tiếng Việt đã được đưa vào chương trình đại học chính quy từ năm 2019.

Đây cũng là trường đại học đầu tiên tại Ý cấp bằng cử nhân về ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Đông Nam Á trong đó xét đến môn tiếng Việt.

"Sinh viên trong lớp là người nước ngoài đang sinh sống tại Ý và có ba bạn là người gốc Việt được nhận nuôi từ nhỏ. Có nhiều lý do để các bạn chọn học tiếng Việt lắm. Có bạn thì vì tò mò với Việt Nam, bạn khác thì đơn giản vì muốn biết thêm một ngôn ngữ khác.

Và có cả những bạn nhận định rằng học tiếng Việt sớm thì sau này cơ hội cạnh tranh khi đi làm sẽ tốt hơn, ví dụ như trong lĩnh vực du lịch", bà Hường nói với Tuổi Trẻ.

Không chỉ dạy cho học viên ngữ pháp tiếng Việt, bà còn lồng ghép văn hóa vào các bài giảng, giới thiệu dân ca quan họ, tục ăn trầu hay món bánh chưng. Cứ mỗi dịp lễ, Tết truyền thống ở Việt Nam bà đều chuẩn bị thêm các món ăn hay đề cập đến ngày lễ để sinh viên hiểu hơn về văn hóa của mảnh đất hình chữ S.

Như một sự hồi đáp cho những nỗ lực của người giảng viên tâm huyết, bà Hường chia sẻ rất xúc động khi các em sinh viên biết phân tích bài thơ Bánh trôi nước của thi sĩ Hồ Xuân Hương hay thậm chí diễn lại vở Xúy Vân giả dại.

Đặc biệt, bà Hằng tiết lộ có một em sinh viên sẽ dịch Truyện Kiều trong luận văn tốt nghiệp sắp tới của mình.

Giúp giáo viên bớt loay hoay, vất vả

TS Nguyễn Thụy Anh, tác giả bộ tài liệu Chào tiếng Việt, chia sẻ khi bà sang Thụy Sĩ, Pháp để trao đổi, hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Việt mới thấy cái họ thiếu nhất là kỹ năng, sau đó mới tới tài liệu dạy học.

"Kỹ năng sư phạm giúp giáo viên bớt loay hoay, vất vả và đó là cái cần giúp họ nhiều hơn là tập huấn về tiếng Việt. Và muốn hỗ trợ đúng chỗ, đúng việc rất cần lắng nghe kỹ những khó khăn đặc thù khi dạy tiếng Việt ở những quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau", bà Thụy Anh cho biết.

Theo bà Thụy Anh, việc dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài không cần dạy lý thuyết ngay mà đưa trẻ vào tình huống giao tiếp khác nhau để nói, hoạt động. Trẻ cứ lặp đi lặp lại một câu, từ nào đó không cần hiểu cặn kẽ ngữ pháp vội thì sẽ dễ dàng hơn. Nhưng với người lớn thì lại cần đi từ lý thuyết/công thức, ngữ pháp.

Tùy theo đối tượng và thực tế dạy học, giáo viên có thể linh hoạt. Muốn như thế thì kỹ năng sư phạm, những nguyên tắc cốt lõi của kỹ năng dạy học phải là điều họ cần được tập huấn kỹ.

Còn tiếng Việt là còn dân tộc

Đó là chia sẻ của bà Lê Thị Thanh Tùng, 67 tuổi, kiều bào đang sinh sống tại TP San Francisco (bang California, Mỹ) khi trở về nước tham gia khóa tập huấn.

Xuất thân là giáo viên ở Việt Nam, sau khi sang Mỹ bà Tùng đã có hơn 10 năm giảng dạy tiếng Việt tại Trung tâm Việt ngữ Âu Cơ. Tại đây, bà không chỉ dạy tiếng Việt cho con em trong các gia đình người Việt mà còn có nhiều học trò là người Mỹ. Bà phụ trách các lớp mẫu giáo, giúp các em nhỏ phát âm và làm quen dấu câu bằng các bài hát.

"Ông bà, cha mẹ rất vui khi các em nói được tiếng Việt mấy câu đơn giản như "chào ông", "chào bà"" - bà Tùng nói và chia sẻ thêm rằng sau khi về hưu, bà vẫn duy trì lớp dạy kèm cho trẻ em lớp 6, lớp 7 tại địa phương.

Động lực lớn nhất là tình yêu tiếng Việt

Sau một thời gian bị gián đoạn vì dịch COVID-19, các lớp học của cô giáo Huyền ở Vientiane gần đây đã được mở lại và tổ chức vào tất cả các ngày trong tuần, dạy đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Khi được đặt câu hỏi làm sao để cân bằng thời gian giữa việc kinh doanh và vai trò "cô giáo", bà Huyền chia sẻ động lực lớn nhất là bởi tình yêu với tiếng Việt và lòng tự hào dân tộc. Vì vậy, bà vẫn thu xếp thời gian để đứng lớp vào buổi tối sau khi kết thúc công việc cá nhân.

* Ông Đinh Hoàng Linh (vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao):

Chương trình đã thu hút hơn 800 kiều bào

Giáo viên dạy tiếng Việt tham gia buổi tập huấn - Ảnh: Danh Khanh

Giáo viên dạy tiếng Việt tham gia buổi tập huấn - Ảnh: Danh Khanh

Chương trình tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài là chủ trương của Đảng và Nhà nước dành cho kiều bào, xuất phát từ nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và được đề cập trong kết luận 12/KL-TW về công tác người Việt ở nước ngoài trong tình hình mới.

Triển khai từ năm 2013, đến nay chúng tôi đã tổ chức được chín khóa tập huấn, trong đó năm 2020 và 2021 phải tổ chức trực tuyến do dịch COVID-19. Tuy nhiên, chính nhờ vậy lại tạo cơ hội cho nhiều bà con giáo viên kiều bào tham gia, chỉ riêng khóa 2021 đã thu hút hơn 400 người. Tổng cộng đến nay chương trình đã thu hút được hơn 800 kiều bào.

Ngày nay, song hành với sự phát triển của đất nước, vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng và trở nên sâu sắc tại nước sở tại. Cộng đồng không ngừng lớn mạnh về số lượng, lên đến gần 6 triệu người ở hơn 130 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải tăng cường chất lượng học và giảng dạy tiếng Việt nhằm giúp bà con tiếp tục sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng sở tại.

Ông Đinh Hoàng Linh

Ông Đinh Hoàng Linh

Theo tôi, văn hóa và ngôn ngữ là sợi dây thiêng liêng gắn kết bà con xa xứ với tổ tiên, dân tộc.

Đối với kiều bào trẻ thế hệ 2, 3, 4 - tương lai của cộng đồng - thì sợi dây này càng cần củng cố hơn nữa vì thực tế họ không thể gắn kết với quê hương như ông bà, cha mẹ.

Đồng thời, ngôn ngữ cũng góp phần thôi thúc tình yêu và mong muốn đóng góp cho quê hương.

Đây là nền tảng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp giữa sức mạnh cộng đồng người Việt ở nước ngoài với nhân dân trong nước. Tôi có thể nói rằng tiếng nói và văn hóa dân tộc sẽ tạo nên vị thế của Việt Nam trên khắp các châu lục.

Chúng tôi sẽ tăng cường đổi mới phương pháp tổ chức tập huấn, làm sao để các giáo viên kiều bào trở thành nòng cốt để lan tỏa, tăng cường công tác học và dạy tiếng Việt ở cộng đồng sở tại. Là đơn vị quản lý, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn như Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội trong công tác này.

Ngày 8-9 hằng năm cũng được lựa chọn trở thành ngày tôn vinh tiếng Việt. Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo đánh giá các hoạt động tôn vinh tiếng Việt trong năm 2023 và đề xuất phương hướng để tăng cường hiệu quả trong năm tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ vinh danh những sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi mong rằng đây sẽ là sự khích lệ tinh thần với kiều bào, bồi đắp tình yêu của họ với quê hương.

"Có thể đưa con người ra khỏi quê hương nhưng không thể đưa quê hương ra khỏi con người". Ngày nay bà con học ngôn ngữ bản địa để hòa nhập với cộng đồng sở tại là điều tất yếu, nhưng tiếng Việt cũng hết sức thiêng liêng.

Tôi tin rằng các chương trình và hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng với tình yêu sẵn có của bà con, tiếng Việt sẽ còn được cất lên và văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục hiện diện ở khắp nơi trên thế giới.

Người nước ngoài chọn ngành Việt Nam học

Bên cạnh việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài thì cũng có những người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống chọn học tại khoa Việt Nam học.

Cô Kim Miae - ngụ tại quận 7 (TP.HCM) - sắp hoàn thành bốn năm học chương trình ngành Việt Nam học tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Kim cho hay sau khi kết hôn và định cư tại Hà Nội, cô đã tham gia một số khóa học tiếng Việt tại các trung tâm.

Khi chuyển đến sống tại TP.HCM, cô không chỉ muốn cải thiện khả năng nghe nói mà còn muốn hiểu sâu hơn về văn hóa và xã hội Việt Nam. Vì vậy, cô quyết định đăng ký học cử nhân ngành Việt Nam học.

Cùng lớp với Kim Miae là Ahn In Soon, ngụ tại quận 7 (TP.HCM). Với Ahn, sự thôi thúc học tiếng Việt có vẻ khá "lý tưởng". Người phu nữ này đến Việt Nam sinh sống từ tám năm trước và ngay lập tức có ý định tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Việt.

Suốt thời gian học Việt Nam học, Ahn rất say mê tìm hiểu lịch sử và văn hóa. Cô thường xuyên mượn sách về văn hóa Việt Nam về nhà để tìm hiểu sâu hơn. Ahn thường xuyên đọc báo tiếng Việt tại Việt Nam để mở rộng vốn từ.

Ngoài ra, cô cũng phải tìm hiểu kỹ để viết luận án tốt nghiệp bằng tiếng Việt. Cô chọn đề tài "So sánh văn hóa uống trà giữa Việt Nam và Hàn Quốc" và đạt kết quả xuất sắc.

Giáo viên 16 nước, vùng lãnh thổ đến Việt Nam tập huấn dạy tiếng ViệtGiáo viên 16 nước, vùng lãnh thổ đến Việt Nam tập huấn dạy tiếng Việt

Ngày 20-8, gần 50 giáo viên đang dạy tiếng Việt ở 16 quốc gia, vùng lãnh thổ về Việt Nam để tập huấn với tác giả bộ sách "Chào tiếng Việt"

Xem thêm: mth.76973159022803202-ioig-eht-pahk-teiv-gneit-auc-aig-us-gnuhn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những sứ giả của tiếng Việt khắp thế giới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools