Ngày 22-8, UBND tỉnh Lào Cai cho biết Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh vừa có văn bản gửi Công ty cổ phần Đầu tư BOT Lào Cai - Sa Pa về việc vận hành thử đối với hạng mục cầu Móng Sến, thuộc dự án đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa theo hình thức BOT.
Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu công ty khẩn trương thực hiện một số nội dung để đưa công trình vào vận hành thử gồm cắm biển thông tin về việc vận hành thử tại nút giao km120+400 quốc lộ 4D và km117+900 quốc lộ 4D.
Nhà thầu bố trí nhân lực để tổ chức hướng dẫn xe qua cầu, tránh trường hợp các xe dừng đỗ trên cầu để chụp ảnh. Theo dõi, đánh giá và có báo cáo trong thời gian vận hành thử công trình.
Chủ đầu tư khẩn trương báo cáo Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông vận tải sớm tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu để đủ điều kiện đưa công trình vào khai thác chính thức trước ngày 30-8.
Theo kế hoạch, việc vận hành thử nghiệm cầu Móng Sến bắt đầu từ 15h chiều 22-8. Trong giai đoạn thử nghiệm sẽ vận hành từ 6h đến 17h hằng ngày.
Tất cả các xe (trừ xe có trọng tải trên 20 tấn và xe container) được qua cầu Móng Sến trong giai đoạn vận hành thử.
Việc đưa hạng mục cầu Móng Sến thuộc dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa vào vận hành sẽ giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn giao thông khu vực đèo Ba Tầng, nhất là trong dịp kỷ niệm các ngày lễ Quốc khánh 2-9, kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lên thăm Lào Cai, kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa cũng như để có những đánh giá cụ thể về hệ thống an toàn giao thông trên cầu.
Công trình cầu Móng Sến nằm trong dự án xây dựng tuyến đường mới kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thay cho quốc lộ 4D hiện có. Cầu bắc qua hai ngọn đồi, phía dưới là thủy điện và ruộng bậc thang ở thị xã Sa Pa.
Công trình khởi công ngày 3-1-2021, hợp long ngày 29-9-2021, trụ đầu cầu Móng Sến cao 83m, là trụ cầu cạn cao nhất Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư xây dựng công trình là 450 tỉ đồng. Cầu Móng Sến được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bề mặt cầu rộng 14m với 4 làn xe, chiều dài 612m có 5 nhịp liên tục, trong đó nhịp dài nhất là 132m.
Cầu áp dụng công nghệ đúc hẫng cân bằng, cáp dự ứng lực căng kéo ngoài. Công nghệ cáp dự ứng lực ngoài căng cả bó lần đầu tiên được sử dụng cho cầu lớn đúc hẫng cân bằng tại Việt Nam.
Từ thành phố Lào Cai lên thị xã Sa Pa khoảng 30km, đi theo đường 4D cũ sẽ phải qua đèo Ba Tầng thường xuyên sạt lở. Cầu mới hoàn thiện sẽ rút ngắn khoảng 2,5km so với đường cũ và không phải đi qua đèo Ba Tầng.
Sức hấp dẫn có một không hai của du lịch Sa Pa đã được biết tới kể từ mùa đông năm 1903, khi đoàn thám hiểm chính quyền Đông Dương phát hiện ra nơi này.