"Điện hydro đang được xem là một trong những ứng cử viên lớn nhất trong quá trình chuyển đổi năng lượng này" - tiến sĩ Trần Thiện Khánh, giám đốc ban phát triển khoa học và hợp tác quốc tế Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, trả lời Tuổi Trẻ bên lề Diễn đàn hợp tác năng lượng sạch Canada - Việt Nam ở TP.HCM vào ngày 21-8.
Nhiều nước "dòm ngó" Đồng bằng sông Cửu Long
Theo ông Khánh, khi nói về câu chuyện chuyển đổi năng lượng, Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
"Điều này có nghĩa là Việt Nam phải tạo ra một vòng tròn năng lượng để người dân vừa có thể sống bằng năng lượng sạch, ít bị tác động của môi trường, cũng như phát triển tạo ra giá trị sản phẩm", ông giải thích.
Trên thực tế, Quy hoạch điện VIII của Việt Nam đã đề ra giải pháp chuyển đổi rất mạnh từ nhiên liệu hydrocarbon sang nhiên liệu hydro trong giai đoạn 2031 - 2050.
Về phương pháp, Viện Dầu khí Việt Nam vào năm 2020 ghi nhận hiện có hai hướng chủ đạo để sản xuất hydro tái tạo là điện phân nước và khí hóa sinh khối.
Theo ông Khánh, Việt Nam có tiềm năng ứng dụng phương án điện phân nước từ khu vực Bình Thuận kéo dài ra gần tới Nha Trang nhờ đường bờ biển dài, mật độ chiếu sáng của mặt trời cao và lượng điện gió đáng kể. Trong khi đó, tiềm năng khí hóa sinh khối lại nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
"Không chỉ Việt Nam, tất cả các cơ quan tại khu vực Đông Nam Á đều dòm ngó khu vực ĐBSCL, nơi sản sinh ra rất nhiều sinh khối mỗi năm", ông nói.
Tuy nhiên, tiến sĩ Khánh cho rằng dù có điều kiện phù hợp để sản xuất hydro, Việt Nam "cần phải có phương hướng phù hợp".
Ông Khánh giải thích Việt Nam sẽ khó áp dụng phương án điện phân nước bởi đòi hỏi về vốn đầu tư và chi phí quá cao, nhưng lại có nhiều lợi thế khi áp dụng khí hóa sinh khối.
"Chúng ta có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp như rác thải chăn nuôi. Lấy ví dụ, chúng tôi đã từng làm đề tài tại nhà máy sản xuất nuôi heo quy mô 5.000 con. Chúng tôi thu lấy phân và nước thải từ đó để tạo ra nhiên liệu hydro và cung cấp ngược lại điện cho chính nhà máy nuôi heo này", ông Khánh chỉ ra.
Canada sẵn sàng hợp tác với Việt Nam
"Tôi có nhiều đối tác nước ngoài rất muốn được tư vấn để họ có thể nhảy vào thị trường của chúng ta, nhưng tôi chưa hợp tác bởi tôi nghĩ tài nguyên của người Việt Nam thì phải do người Việt Nam mình sử dụng trước", ông Khánh chia sẻ thêm.
Dù hy vọng người Việt Nam được hưởng lợi trước hết, ông Khánh vẫn công nhận Việt Nam cần hợp tác với các đối tác nước ngoài để phát triển công nghệ sản xuất hydro. "Chúng ta cần sự hỗ trợ từ những nước bạn, các quốc gia đồng chí hướng, để tạo ra bước tiên phong. Bởi trong câu chuyện về nhiên liệu hydro, công nghệ phải đi trước chính sách", ông nói.
"Tôi tin rằng Nhà nước đã nhận được tư vấn từ các chuyên gia. Cụ thể, Nhà nước đã có những định hướng ban đầu rõ ràng trong Quy hoạch điện VIII vừa rồi. Tuy nhiên, chúng ta cần các chuyên gia thật sự hiểu về nhiên liệu hydro bởi đây là câu chuyện liên ngành và chúng ta chưa có nhân lực trong ngành này", tiến sĩ Khánh nhận định.
Trả lời Tuổi Trẻ, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Canada Jacob Irving cho rằng Canada hoàn toàn có thể hợp tác cùng nhau trong nỗ lực xây dựng một nền kinh tế hydro. Trước hết, ông Irving chỉ ra rằng cấu trúc năng lượng của Việt Nam và Canada đều phụ thuộc đáng kể vào thủy điện và nhiệt điện, mà cụ thể là khí đốt. Cả hai đều đặt mục tiêu phát triển năng lượng sạch, từ đó xây dựng một nền kinh tế xanh.
Chính điểm tương đồng này mà ông Irving cho rằng Canada có thể hiểu và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như sản xuất hydro.
"Tôi cho rằng thách thức chung lớn nhất của chúng ta là tạo ra thị trường cho năng lượng hydro. Phải làm sao thuyết phục người dân chuyển sang dùng loại năng lượng này, bởi đây hiện vẫn là lựa chọn đắt đỏ hơn so với khí đốt hay các nhiên liệu khác. Điều quan trọng là trong một số trường hợp chúng ta phải chi nhiều hơn ở khởi điểm, nhưng chi phí sẽ giảm dần và đi ngang sau đó", ông nói.
Phát biểu tại tọa đàm ngày 21-8, ông Michael Smart - giám đốc phát triển kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cơ quan Phát triển xuất khẩu Canada (EDC) - cho biết cơ quan của ông sẵn sàng hỗ trợ và trở thành chỗ dựa cho các dự án năng lượng sạch của Việt Nam nếu Việt Nam cho thấy khả năng quản trị mạnh mẽ của chính phủ, khuôn khổ pháp lý rõ ràng và báo cáo minh bạch.
Nhiều loại tín chỉ carbon ở Việt Nam
Ông Hoàng Anh Dũng, tổng giám đốc Công ty giải pháp biến đổi khí hậu Intraco Carbon, cho biết tín chỉ carbon hiện là giải pháp phổ biến cho doanh nghiệp trong mục tiêu giảm phát thải.
"Tín chỉ carbon là một cơ chế tài chính giúp thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải mà nếu thiếu cơ chế tín chỉ carbon, các hoạt động giảm phát thải này sẽ không thể diễn ra trong kịch bản thông thường do các rào cản về mặt tài chính", ông giải thích.
Theo ông Dũng, hiện nay các tín chỉ ở Việt Nam có rất nhiều loại. Các dự án từ năng lượng tái tạo cho đến xử lý rác thải, xử lý nước thải, chuyển đổi nhiên liệu từ than dầu sang nguyên liệu sinh khối... đều có thể tạo ra tín chỉ carbon phù hợp với Việt Nam. "Việt Nam thậm chí có tiềm năng rất lớn ở các phụ phẩm nông nghiệp", ông cho hay.
TTO - Hydrogen không chỉ giúp Việt Nam nỗ lực hướng tới một tương lai có thể trung hòa khí thải carbon, mà còn được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.