Theo chị Phạm Thị Nguyệt - mẹ cháu C., cháu bắt đầu trị bệnh từ năm 2 tuổi và điều trị liên tục bằng hóa chất, tuy nhiên gần đây cháu không đáp ứng phác đồ điều trị bình thường, có nhiều biến chứng dữ đội như đau chân tay, đau bụng, sốt cao, môi sưng to gần như không nhìn thấy mũi, gầy sút nhiều, răng đen…
Cháu đã chờ đợi đến lúc phương pháp này được Hội đồng đạo đức y sinh, Bộ Y tế thông qua và được cấp phép thử nghiệm. Các bác sĩ tại Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec đã lấy máu của bệnh nhi để gạn tế bào T (tế bào có "thẩm quyền" miễn dịch, tiêu diệt tế bào lạ ngay khi chúng "gặp"), rồi gắn vào tế bào T thụ thể nhận biết được tế bào ung thư, qua đó sử dụng miễn dịch tự nhiên để tiêu diệt ung thư.
Chị Nguyệt cho biết bé C. được điều trị trong hơn 1 tháng vừa qua, sau truyền CAR-T 2 ngày con vẫn sốt nhưng đáp ứng với thuốc, ngày thứ 3 bắt đầu hết đau chân và các biến chứng, có thể ăn và đi lại, trong 30 ngày lên được 700g trong khi từ khi mắc bệnh bé chỉ có xuống cân, chưa từng có lần lên ký.
Theo ông Bạch Quốc Khánh - chuyên gia về trị liệu tế bào cho bệnh nhân ung thư, liệu pháp này đã được cấp phép tại một số quốc gia trên thế giới điều trị ung thư bạch cầu cấp dòng lypho, ung thư hạch lymphoma không đáp ứng với phác đồ chuẩn, cho kết quả tốt từ 60-80%.
Ông Khánh cũng chia sẻ lý do bệnh nhân ung thư máu được phát hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây là do người bệnh đi khám sớm hơn, khả năng phát hiện bệnh của cơ sở y tế cũng tốt hơn.
"Trước đây nhiều ca bệnh khi có dấu hiệu lạ thì gia đình nghĩ rằng bệnh nhẹ, để ở nhà tự "chữa", trong khi những chứng bệnh như bạch cầu cấp phát bệnh 1-2 tuần là có nguy cơ tử vong" - ông Khánh cho biết.
"Dù con mới 4 tuổi, có thể chưa hiểu hết nhưng trước khi con được điều trị, tôi vẫn thì thầm với con là mong con cố đợi được đến khi có sợi dây hy vọng. Con đã cố gắng và chờ được. Xin cảm ơn các bác sĩ đã tái sinh con một lần nữa, cho con một tương lai mới khi con đã ở bên bờ vực thẳm, con lại được đi học, đi chơi cùng các bạn" - chị Nguyệt chia sẻ.
Ca bệnh bé C. nằm trong nhóm 16 ca điều trị miễn phí, thuộc dự án ứng dụng công nghệ cao điều trị ung thư, được Bộ Y tế cho phép triển khai tại Việt Nam. Ngày thứ sáu tới, ca thứ 2 trong dự án này sẽ được tiếp tục triển khai.
Mắc ung thư và ảnh hưởng của quá trình điều trị, hàng loạt bất lợi trong việc ăn uống xảy ra với người bệnh như: biếng ăn, thay đổi khẩu vị, nhiễm trùng miệng, buồn nôn - nôn, tiêu chảy... Có cách nào giúp người bệnh ăn uống ngon hơn?