Hiện quân đội Pakistan đã giải cứu được 2 em học sinh trong số 8 người mắc kẹt trong cabin cáp treo, Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ quan chức địa phương, vẫn chưa rõ các chi tiết cho lần giải cứu thành công này.
7 trẻ em và 1 người lớn mắc kẹt
Trước đó, vào lúc 7h sáng (giờ địa phương), các em học sinh đang đến trường bằng cáp treo thì xảy ra sự cố.
Một sợi cáp bất ngờ đứt khi cáp treo đã đi được nửa đường, khiến 8 người trong cabin mắc kẹt giữa khe núi. Người dân tại khu vực Allai Valley đã sử dụng loa phóng thanh của một nhà thờ Hồi giáo để thông báo việc này với quan chức địa phương.
Theo Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Pakistan, có hai máy bay quân sự được điều đến để giải cứu những người đang mắc kẹt, nhưng nỗ lực này đã không thành công.
Reuters dẫn lời ông Shariq Riaz Khattak, một quan chức thuộc đội cứu hộ có mặt tại hiện trường, cho biết chiếc cáp treo đang lơ lửng giữa một khe núi, cách mặt đất khoảng 274m và đang được chịu tải bởi một sợi cáp duy nhất.
"Gió lớn ập vào chúng tôi", Gulfaraz, 20 tuổi, người lớn duy nhất có mặt trên chiếc cáp treo, nói qua điện thoại với kênh truyền hình địa phương Geo News.
"Vì Chúa, hãy cứu chúng tôi", anh Gulfaraz khẩn cấp yêu cầu qua điện thoại.
Anh Gulfaraz cho biết trên cabin đang có các em học sinh từ 10 - 15 tuổi, một em đã ngất xỉu vì nóng và sợ hãi.
"Trời sắp tối rồi, cho chúng tôi biết tại sao những chiếc trực thăng lại quay đầu", anh Gulfaraz nói với Hãng thông tấn AFP cũng qua điện thoại.
Lực lượng giải cứu trên trực thăng đã có thể tiếp cận cabin, nhưng không giải cứu được những người đang mắc kẹt.
Quan chức địa phương Tanveer Ur Rehman cho biết một số thành viên lực lượng giải cứu đã tiếp cận cabin bằng dây thả từ trực thăng cung cấp thực phẩm, nước uống và thuốc.
"Chiến dịch này đòi hỏi độ chính xác. Máy bay trực thăng không thể tới gần chiếc cáp treo vì có khả năng áp suất không khí sẽ làm đứt sợi cáp đang chịu tải", ông Rehman nói.
Năm 2017, 10 người thiệt mang khi cáp treo bị đứt, hành khách trên cabin đã rơi xuống khe núi tại một ngôi làng gần thủ đô Islamabad.
Nỗ lực giải cứu người mắc kẹt trên cáp treo - Nguồn: AFP
Đi học bằng cáp treo
Hãng thông tấn AFP dẫn lời Hiệu trưởng Ali Asghar Khan của Trường trung học Battangi Pashto cho biết các nam sinh đang mắc kẹt trên chiếc cáp treo đều là học sinh tại ngôi trường này.
"Trường học nằm ở vùng núi và không có đường đi nào an toàn nên việc sử dụng cáp treo là phổ biến. Phụ huynh đang có mặt tại hiện trường. Họ có thể làm gì đây? Chúng tôi đều đang đợi đội giải cứu cứu được các em. Tất cả đều lo lắng", ông Khan nói.
Abid Ur Rehman, giáo viên tại một ngôi trường khác trong khu vực, cho biết có khoảng 500 người đang có mặt để theo dõi công tác giải cứu.
"Phụ huynh và nhiều phụ nữ đã khóc vì lo lắng cho sự an toàn của bọn trẻ", ông Rehman nói với Hãng thông tấn AFP.
Thủ tướng tạm quyền Pakistan Anwaar-ul-Haq Kakar đã ban hành chỉ thị yêu cầu kiểm tra tất cả các cáp treo ở khu vực miền núi, hệ thống cáp treo nào không "tuân thủ an toàn" sẽ phải đóng cửa ngay lập tức.
Cáp treo chở hành khách và đôi khi cả ô tô phổ biến ở các khu vực phía bắc của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và Gilgit-Baltistan, Pakistan, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các làng và thị trấn tại những khu vực không thể xây dựng được đường sá.
TTO - Ngày 11-4, giới chức Ấn Độ cho biết một vụ tai nạn cáp treo tại một địa điểm hành hương ở bang Jharkhand đã làm ít nhất một người thiệt mạng và hàng chục người mắc kẹt trong các cabin bị treo lơ lửng giữa không trung.