6 nhóm hàng xuất khẩu tỉ USD trong tháng 7-2023
Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 7-2023 đạt hơn 57 tỉ USD, tăng 2,3%, tương ứng tăng 1,26 tỉ USD so với tháng trước.
Lũy kế trong 7 tháng năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 374 tỉ USD, giảm mạnh 13,8%, tương ứng giảm hơn 60 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 6 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 7-2023 đạt 4,45 tỉ USD, tăng 11% so với tháng trước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 7-2023 là 5,06 tỉ USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác xuất khẩu trong tháng đạt 3,54 tỉ USD, tăng 10,1% so với tháng trước.
Trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 7-2023 đạt 3,27 tỉ USD, tăng 6,8% so với tháng trước.
Giày dép các loại xuất khẩu trong tháng 7-2023 đạt 1,79 tỉ USD, tăng 1,4% so với tháng trước.
Gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7-2023 đạt 1,12 tỉ USD, tăng 2,8% so với tháng trước.
7 tháng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 30 tỉ USD
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 7-2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 4,6 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm lên 30,84 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh xuất khẩu chung cả nước giảm sâu.
Hết tháng 7, có 8 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt từ 1 tỉ USD trở lên. Trong đó hai nhóm hàng dẫn đầu liên quan đến lĩnh vực điện tử là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch hơn 7,5 tỉ USD. Điện thoại và linh kiện với kim ngạch 7,2 tỉ USD.
Đáng chú ý, rau quả có sự tăng trưởng ấn tượng để vào nhóm hàng xuất khẩu "tỉ USD". Hết tháng 7, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt gần 2 tỉ USD, tăng tới 128,5% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái đạt 872,7 triệu USD).
Một số nhóm hàng xuất khẩu khác có tăng trưởng ấn tượng như gạo đạt 413 triệu USD, tăng 70,3%; hạt điều đạt hơn 300 triệu USD, tăng 33,3%...
Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ), 7 tháng đầu năm quốc gia này chiếm 15,78% kim ngạch cả nước.
Khai mạc Triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam
Từ ngày 23 đến 25-8, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (Q.7, TP.HCM) diễn ra Triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam 2023. Triển lãm dự kiến thu hút khoảng 350-400 gian hàng đến từ hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo ban tổ chức, triển lãm sẽ là nơi các nhà nhập khẩu có thể tìm kiếm những sản phẩm đa dạng, chất lượng, nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm...
Trong khuôn khổ triển lãm còn diễn ra các chương trình như các hội thảo chuyên ngành, biểu diễn nấu ăn và dùng thử miễn phí tại các gian hàng...
Bình Dương không tăng học phí năm học mới
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương ngày 22-8 cho biết sẽ không tăng học phí trong năm học mới 2023-2024 mà giữ nguyên như mức của năm học 2022-2023.
Hiện nay, sở đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2023-2024; đồng thời đề xuất nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng cân đối ngân sách của địa phương.
Mức học phí theo đề xuất đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên vùng thành thị là 300.000 đồng/học sinh/tháng; vùng nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng... tức không thay đổi so với năm ngoái.
Năm học 2023-2024, tỉnh có khoảng 548.093 học sinh, tăng thêm 37.232 học sinh so với năm học 2022-2023.
TP.HCM đảm bảo đủ phà chở khách lễ 2-9
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn đường thủy cho người dân đi lại dịp lễ 2-9 và khai giảng năm học mới.
Sở cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong kiểm tra tình trạng kỹ thuật và bảo vệ môi trường các phương tiện phà, phao (bến nổi), cầu dẫn, các trang bị cứu sinh cứu đắm, phòng chống lật, cháy nổ...
Đồng thời, chuẩn bị phà dự phòng trường hợp lượng hành khách, xe ô tô tăng đột xuất dịp lễ. Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp chính quyền địa phương tại các đầu bến để điều tiết, bảo đảm phục vụ xe cộ, người dân tham gia giao thông thuận tiện an toàn, thông suốt...
TP.HCM cấm ô tô đi qua khu vực thi công cầu Long Kiểng
Tin tức từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, từ ngày 23-8 cấm ô tô đi qua khu vực thi công cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè.
Lộ trình lưu thông thay thế như sau: Đường Lê Văn Lương - đường Nguyễn Bình - đường Nguyễn Hữu Thọ - đường Phạm Hữu Lầu - đường Lê Văn Lương.
Riêng xe của người dân, doanh nghiệp hoạt động dọc tuyến đường Lê Văn Lương được lưu thông theo sự hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông phục vụ thi công và hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ trong khu vực.
Dự án cầu Long Kiểng được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001. Đến tận tháng 8-2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công nhưng sau đó dự án lại vướng mặt bằng. Cho đến tháng 9-2022, cây cầu này mới được khởi công trở lại.
Dự án có tổng mức đầu tư 589 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 211 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư 325 tỉ đồng.
Sau 10 ngày chững lại, giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng trở lại mức 638 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 10 USD/tấn.