Trả giá kiểu gì cũng hớ
Trong vai một du khách, chúng tôi thử mua hàng ở nhiều sạp của chợ Bến Thành, trả giá bằng một nửa giá niêm yết thì luôn được người bán đồng ý.
Ghé sạp A.C., chúng tôi thấy 1 sản phẩm thú đan len niêm yết 2 mức giá 270.000 đồng và 380.000 đồng. Chúng tôi thắc mắc thì người bán giải thích: “Giá đó em bán cho người nước ngoài, còn chị là người Việt thì giá 100.000 đồng/cái”. Chúng tôi trả giá 70.000 đồng, người bán cũng đồng ý. Với sản phẩm tương tự, sạp gần đó lại bán với giá 50.000 đồng.
Sạp B.T. cũng niêm yết 2 giá cho 1 chiếc lược bằng sừng trâu, 250.000 đồng và 350.000 đồng. Người bán báo giá 350.000 đồng cho 1 du khách Ấn Độ nhưng khách bỏ đi, còn chúng tôi được báo giá 150.000 đồng, trả giá 60.000 đồng cũng nhận được cái gật đầu. Một chị khách đứng cạnh tôi nói nhỏ: “Chị từng mua chiếc lược y chang với giá chỉ 30.000 đồng”.
Du khách mua hàng lưu niệm ở chợ Bến Thành hôm 19/8 |
Nhân viên sạp M.T.L. báo giá 450.000 đồng/chiếc túi xách bằng mây đan, nhưng chấp nhận bán 200.000 đồng. Chúng tôi hỏi sao không nói đúng giá cho khách dễ mua, nhân viên phân trần: “Khách nào cũng trả giá nên em buộc phải nâng giá. Khách nước ngoài còn trả giá nhiều hơn, món nào họ cũng trả giá 50.000 đồng”. Lời của nhân viên bán hàng trùng với bình luận của một số du khách dưới video của youtuber người Nhật. Họ cho biết, từng nhiều lần bị mua hớ giá ở chợ này.
Thanh tra du lịch sẽ xử lý nạn “chặt chém” du khách Đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở TPHCM cho hay, chợ Bến Thành là điểm đến không thể thiếu trong chương trình city tour (tham quan TPHCM) của công ty, nhất là với khách quốc tế. Trong quá trình dẫn tour, hướng dẫn viên của công ty thường nhận được những lời phàn nàn của du khách về nạn “chặt chém”, về chất lượng hàng hóa ở chợ Bến Thành. Để du khách có những trải nghiệm vui vẻ, khi thuyết minh về chợ, hướng dẫn viên của công ty thường lưu ý với du khách về tình trạng nói thách giá. Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay, thanh tra sở đang phối hợp với các đơn vị lữ hành, du lịch và các kênh truyền thông để cập nhật những thông tin phản ánh về tình trạng “chặt chém” ở các điểm mua sắm, chợ phục vụ du lịch. Thanh tra sở cũng sẽ làm việc với BQL chợ Bến Thành, với UBND quận 1 để đảm bảo quyền lợi của du khách khi tham quan, mua sắm ở chợ Bến Thành. Q.Thái |
Chị Huỳnh Mai (quận 3, TPHCM) kể, có người cháu bên Mỹ về muốn đi chợ Bến Thành mua quà lưu niệm nhưng sợ dính bẫy nói thách nên rủ chị đi cùng để mặc cả: “Bức tranh gạo niêm yết giá 680.000 đồng, họ nói bán cho người Việt Nam giá 340.000 đồng, tôi trả giá 200.000 đồng, họ cũng bán. Giá món hàng khác bị thách lên 350.000 đồng, tôi mua 100.000 đồng. Nón lá, chén, muỗng… mỗi thứ 90.000 đồng/cái, trả giá còn 30.000 đồng/cái, họ cũng bán ngay. Tôi hỏi em bán hàng thì em ấy bảo phải nói thách rồi ai mua được giá nào thì bán giá đó”.
Khách đến chợ chủ yếu tham quan, ít mua sắm
Nhiều tiểu thương chợ Bến Thành thừa nhận, lượng khách đến chợ đang đông dần sau mấy năm bị dịch COVID-19 nhưng chủ yếu tham quan, ít mua sắm. Một nhân viên sạp M.T.L. cho biết: giá thuê sạp 100 triệu đồng/tháng, lương nhân viên 15 triệu đồng/người, cộng các chi phí thuế, điện nên vốn bỏ ra khá lớn, nếu không nâng giá thì tiền thu không đủ bù chi. Hơn nữa, đa số khách có suy nghĩ tiểu thương nào trong chợ cũng nói thách nên luôn trả giá thấp, buộc tiểu thương phải nâng giá lên để khách mặc cả. Nếu báo giá đúng, khách trả giá mà không bớt thì khách sẽ bỏ đi.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các sạp hàng lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, thời trang ở chợ này bán nhiều chủng loại hàng hóa, nhưng tiểu thương chỉ niêm yết giá vài món. Một số sạp kinh doanh thực phẩm khô, vải và gian hàng của Saigon Co.op, Bến Thành niêm yết giá rõ ràng cho từng sản phẩm. Theo nhân viên gian hàng Saigon Co.op, khách đến chợ này hay trả giá, không bớt thì họ bỏ đi nhưng nhiều khách nghe giải thích việc bán đúng giá niêm yết, họ so sánh giữa các sạp và vẫn quyết định mua.
Bà Đào - chủ sạp vải 433, bán ở đây hơn 20 năm - nói, việc niêm yết giá đúng, rõ ràng giúp khách dễ mua: “Khách trả giá là chuyện của khách, còn mình cứ bán đúng giá niêm yết, họ bỏ đi rồi cũng quay lại mua sau khi so sánh giá”.
Đại diện Ban quản lý (BQL) chợ Bến Thành thừa nhận, có tình trạng tiểu thương ở chợ này nói thách nhưng cũng có nhiều sạp niêm yết và bán đúng giá. BQL chợ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương chấp hành đúng quy định về giá, có thái độ bán hàng văn minh, lịch sự; nếu tiểu thương vi phạm thì lập biên bản, tạm đình chỉ kinh doanh từ 1-7 ngày tùy mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, BQL chợ không kiểm soát được giá đầu vào của hàng hóa nên không thể khống chế giá bán ra của sản phẩm, chỉ kiểm soát giá dựa trên giá niêm yết. Mức lời bao nhiêu là tùy mỗi tiểu thương tính toán dựa trên chi phí. Dù vậy, việc tiểu thương viện lý do giá thuê mặt bằng cao là không hợp lý, bởi đó là do bên thuê và cho thuê sạp thỏa thuận.
Đại diện BQL chợ cũng cho biết, BQL chợ có sổ ghi nhận phản ánh của khách để làm việc, giải quyết hợp lý cho khách: “Chúng tôi từng yêu cầu tiểu thương trả lại tiền chênh lệch cho khách. Ngược lại, cũng có khách nước ngoài trả giá 1 USD cho mọi sản phẩm hoặc lớn tiếng chửi tiểu thương, gây mất trật tự. Để xây dựng hình ảnh chợ Bến Thành văn minh, ngoài các hoạt động của BQL chợ nhằm chấn chỉnh cách thức, thái độ kinh doanh của tiểu thương, cần có sự vào cuộc của nhiều ban ngành chức năng để kiểm soát giá và xử lý nghiêm các vi phạm. Khách hàng cũng nên tham khảo giá ở nhiều sạp trước khi quyết định mua hàng”.
Đại diện nhiều công ty du lịch cho biết cung cách buôn bán nói thách, “chặt chém” du khách như vậy ở chợ Bến Thành đã diễn ra từ lâu, làm xấu đi hình ảnh của chợ Bến Thành - một địa điểm du lịch nổi tiếng của TPHCM. Các du khách - nhất là du khách đến từ các nước phát triển - rất dị ứng với cung cách buôn bán thiếu văn minh như vậy. Họ có thể chia sẻ những trải nghiệm không đẹp đó trên các diễn đàn về du lịch. Những tiểu thương nói thách đó đang phần nào làm hại các nỗ lực rất lớn hiện nay của ngành du lịch, của thành phố để thu hút du khách.
Đóng cửa sạp hàng hét giá 3 đôi vớ 700.000 đồng Về vụ nói thách giá 3 đôi vớ 60.000 đồng lên 700.000 đồng mà youtuber người Nhật phản ánh, ngày 21/8, BQL chợ Bến Thành đã tạm đình chỉ kinh doanh sạp này 7 ngày, nếu tái phạm thì sẽ rút giấy phép kinh doanh. Theo ông Ngô Văn Hà - Trưởng BQL chợ - tiểu thương vi phạm trên chỉ mới thuê lại sạp và bán được vài tháng. Theo quy định của BQL chợ, chủ hộ kinh doanh và tiểu thương phải ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, bán đúng giá niêm yết, không kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc, không chèo kéo khách, không nói thách giá, ép giá. Ông cho hay: “Tiểu thương này chuyên bán quần áo, không bán vớ; khi khách hỏi mua, cô chạy sang sạp khác lấy hàng về bán, không niêm yết giá và nói thách giá cao. Qua làm việc, tiểu thương này đã thừa nhận hành vi vi phạm. Đối với những sạp vi phạm quy định, chủ cho thuê sạp cũng phải chịu trách nhiệm, nếu tái phạm thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh”. Cũng theo ông, BQL và tiểu thương đã ký cam kết thực hiện chợ văn minh. Tiểu thương có thể bớt giá hay tặng kèm quà cho khách vui nhưng không nên viện cớ khách hay trả giá mà nói thách bởi hành vi này làm mất uy tín, khó giữ khách. Trong chợ, những tiểu thương niêm yết giá đầy đủ, rõ ràng và bán đúng giá niêm yết thường được khách tin tưởng, ghé mua đông. |
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.1439941a-hnaht-neb-ohc-hna-hnih-uax-mal-hcaht-ion-nan/nv.moc.enilnounuhp.www