"Chính phủ mới được thành lập, nhưng với cái giá là gì?" - câu hỏi được báo Bangkok Post (Thái Lan) đặt ra trong bài viết đăng ngày 23-8, sau khi ứng viên Srettha Thavisin của Đảng Pheu Thai trở thành tân thủ tướng Thái Lan và thành lập chính phủ mới.
Theo tờ báo này, chính trường Thái Lan đang bước vào một chương mới khi sự chia rẽ chính trị được kỳ vọng sẽ chấm dứt.
Sau hơn một thập niên xung đột giữa phe áo đỏ (thuộc Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) ủng hộ gia đình Shinawatra) và phe áo vàng (những người ủng hộ Đảng Liên minh Nhân dân vì dân chủ - PAD), hai phe này giờ đây dường như đã làm lành và hợp lực để chống lại Đảng Tiến bước (MFP).
Đầu tuần này, Pheu Thai và 10 đảng khác công bố lập liên minh, với ông Srettha Thavisin (60 tuổi) là ứng viên thủ tướng của liên minh. Đáng chú ý là trong liên minh này có một số đảng thân quân đội như Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) và Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath hay PPRP).
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayut Chan-o-cha từng là ứng viên số 1 của UTN trong cuộc bầu cử vừa qua, sau đó đến tháng 7 ông tuyên bố từ chức thành viên UTN và rút khỏi chính trường. Còn tướng Prawit Wongsuwon là lãnh đạo Đảng PPRP.
Ông Wanwichit Boonprong, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Rangsit (Thái Lan), nhận định việc cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra về lại Thái Lan sau gần 17 năm lưu vong và liên minh giữa Pheu Thai với UTN và PPRP đã gửi thông điệp tới các nhóm chính trị rằng hai phe sẽ đoàn kết chống lại MFP - mà họ coi là mối đe dọa chung.
"Hoàn cảnh chính trị thay đổi đã buộc họ phải chung sống. Tôi cũng tin rằng chính phủ mới sẽ kéo dài đủ lâu", ông Wanwichit bình luận và nhận định quyền lực của "bộ 3 tướng" trong chính trường Thái Lan giờ đây sẽ suy giảm, và họ sẽ phải bước sang một bên, hoạt động ở hậu trường.
Bộ ba này bao gồm tướng Prayut, tướng Prawit và Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paojinda.
Ông Wanwichit cũng chỉ ra hầu hết các thượng nghị sĩ bỏ phiếu cho ông Srettha trong cuộc bầu chọn thủ tướng tại Quốc hội Thái Lan hôm 22-8 đều thân cận với tướng Prayut. Các ghế trong nội các được phân bổ cho UTN dự kiến sẽ là những vị trí thuộc hàng cao nhất.
Ông Somkid Chueakhong, cựu nghị sĩ thuộc Đảng Pheu Thai, cho rằng diễn biến chính trị mới nhất cho thấy đảng này và phe chính trị do "bộ 3 tướng" dẫn đầu đã đồng ý thỏa hiệp để chấm dứt xung đột chính trị.
Hồi tháng 7, ứng viên thủ tướng Pita Limjaroenrat của Đảng Tiến bước (MFP) - đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử - đã không thể nhận đủ số phiếu ủng hộ tại Quốc hội Thái Lan vì sự phản đối của các thượng nghị sĩ.
Các nhân vật bảo thủ theo chủ nghĩa bảo hoàng tại Thượng viện Thái Lan lo lắng về các cam kết cải cách của MFP, trong đó có việc sửa đổi luật khi quân (xử những ai phỉ báng nhà vua mức tù lên đến 15 năm). MFP, với chương trình nghị sự thu hút nhiều cử tri trẻ tuổi, cũng tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của quân đội.
Giành lại sự tin tưởng
"Tình hình chính trị hiện nay là thắng lợi nhỏ cho cựu thủ tướng Thaksin. Nhưng điều đó đi kèm với cái giá phải trả, khi Pheu Thai hiện phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng niềm tin", ông Wanwichit nói.
Theo Bangkok Post, Đảng Pheu Thai đang bị chỉ trích nặng nề vì không thực hiện lời hứa trước cuộc bầu cử ngày 14-5 năm nay. Lúc đó, họ từng hứa sẽ không hợp tác với các đảng như UTN và PPRP.
"Sau khi chính phủ mới được thành lập, Pheu Thai sẽ phải nỗ lực giành lại niềm tin của những người ủng hộ", ông Wanwichit nhận định.
Nhà tù tạm giam Bangkok - nơi cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đang bị giam - cũng là nơi một số nhân vật nổi tiếng khác đang thụ án. Ông Thaksin ở phòng không có máy lạnh, được chăm sóc y tế.