vĐồng tin tức tài chính 365

Khi quán cầy tơ vắng dần - Kỳ 3: Cầy tơ bảy món Sài Gòn đã dần quá vãng

2023-08-23 17:15
Khu bán thịt chó nổi tiếng ở Ông Tạ (Tân Bình) ngày trước giờ chỉ còn một, hai điểm bán mà cũng ít khách - Ảnh: M.DŨNG

Khu bán thịt chó nổi tiếng ở Ông Tạ (Tân Bình) ngày trước giờ chỉ còn một, hai điểm bán mà cũng ít khách - Ảnh: M.DŨNG

Mới tháng rồi, người bạn đồng môn của tôi định cư ở Mỹ về thăm quê hương. Anh em lâu năm gặp lại, vui vẻ rủ nhau đi ăn uống, hàn huyên kỷ niệm. 

Tôi nhớ bạn mình gốc Bắc di cư, từng rất khoái khẩu món thịt cầy 7 món, nên thử hỏi bạn còn ăn không. Thực tế TP.HCM ngày nay không còn nhiều quán cầy tơ như 20 năm trước, nhưng muốn ăn thì vẫn có thể... một phút ba mươi giây. 

"Mình bỏ lâu rồi. Mà ở Mỹ không ăn thịt chó, police biết là bắt đấy", người bạn cười trả lời.

Những khu cầy tơ 7 món lừng danh một thời

Thật ra, tôi chỉ hỏi thử ý bạn, chứ bản thân tôi cũng không đụng đũa món thịt thú cưng này đã hơn 10 năm rồi. 

Tôi thôi ăn thịt chó không phải kiêng cữ xui xẻo gì, mà vì tự dưng đến lúc suy nghĩ mình đã có bao thức căn bản để ăn, có phải đói khát gì đâu, sao lại giết thịt đến cả thú cưng của con người để ăn. 

Bạn tôi thì kể từ khi đi Mỹ cũng bỏ thịt chó vì bên đó không ai bán, họa hoằn lắm có người ăn thì tự lén lút giết trộm trong nhà. Nhưng ở bang anh bạn, nếu việc giết chó để ăn thịt bị phát hiện, sẽ bị bắt phạt rất nặng và chắc chắn sẽ bị hàng xóm tẩy chay.

Trò chuyện với bạn, tôi nói thật là nếu bây giờ muốn ăn thịt chó ở TP.HCM thì vẫn còn quán, nhưng không thể tha hồ chọn lựa kiểu khoái khẩu cầy tơ 7 món, 9 món, chó quay, chó thui, vị Bắc, vị Nam gì đó như ngày trước nữa. 

Nếu tôi không nhớ sai thì khoảng từ năm 2010 đến giờ, các khu thịt cầy lừng danh ở thành phố ngày càng thưa thớt và dần dần biến mất một cách lặng lẽ mà đến ngay cả người dân địa phương cũng khó nhớ.

Mới cách đây, chừng gần 20 năm thôi, nhắc đến các "khu ẩm thực vitamin gâu gâu" ở thành phố lớn nhất nước này, dân ăn nhậu có rất nhiều cái tên để kể mà tha hồ chọn lựa. 

Quận Tân Bình thì có khu Ông Tạ trên trục đường Phạm Văn Hai, nơi ngoài các quán thịt chế biến sẵn thơm lừng mũi, còn nổi tiếng nhiều sạp thịt chó tươi đã thui vàng cho khách mua về tự chế biến theo khẩu vị. 

Người ta từng kể chuyện thời "vàng son của món cầy tơ" những năm đầu đổi mới, có sạp thịt chó bày ngay vỉa hè Phạm Văn Hai mà mỗi ngày bán được 20 con, bán hết lại có ngay 20 con nữa cũng đã mổ sẵn, thui rơm hẳn hoi, vì khu này có kết nối chặt chẽ với các lò mổ chó ở Gò Vấp, Thủ Đức, thậm chí có sẵn lò ngay tại chỗ.

Đặc biệt liền kề với "chợ" thịt chó tươi Phạm Văn Hai, còn có nhiều tiệm thịt chó tuổi đời vài chục năm từ trước 1975 trên đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ ngã Bảy Hiền đến cư xá Bắc Hải) và khu Sao Mai, Nghĩa Hòa gần vườn rau Lộc Hưng (quận Tân Bình). 

Các quán thịt cầy ở đây đều nổi tiếng với khẩu vị Bắc truyền thống. Dân ăn thịt chó lâu năm ở Sài Gòn có nhiều địa chỉ để tìm đến, nhưng nhiều người vẫn nói "nếu bỏ qua món cầy hấp, nướng, rựa mận ở khu vực người Bắc di cư này thì coi như vẫn chưa thật sự biết cầy tơ Sài Gòn". 

Một thời bao cấp khó khăn, đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám gần qua cư xá Bắc Hải còn có những xe gỗ bày bán thịt cầy chế biến sẵn như thiên hạ ngày ấy bày xe bánh mì, hủ tiếu gõ. 

Dù dân nhậu mê món "vitamin gâu gâu" hay không ăn được mà đi qua đoạn này cũng phải ngoái nhìn những xe cầy treo thịt, bày mâm thơm lừng đó. 

Người có tiền thì dừng mua hẳn một vài ký ăn cho đã. Kẻ ít tiền thì cũng nhín mua được vài lạng hấp, nướng cùng lít rượu đế, chuối hột rẻ tiền bán kèm theo.

Tất nhiên, ngoài những khu vực này, Sài Gòn - TP.HCM còn có rất nhiều khu nổi danh cầy tơ khác. Và nổi từ trước 1975 thì có khu Xóm Mới (Gò Vấp), Tam Đa (Thủ Đức), Xóm Chiếu (quận 4), Hòa Hưng (quận 10)... 

Sau năm 1975 lại xuất hiện thêm các khu trên đường Bạch Đằng, Hồng Hà gần sân bay Tân Sơn Nhất, khu cầu Thị Nghè với những quán thịt chó mà mang... tên đầy chất thơ như Hai Mơ, Hà Nội Phố, Hàng Lược... 

Những khu mới này cũng chế biến theo vị Bắc và do người Bắc mở quán nhưng hầu hết là "đời sau", tức dòng người vào sau năm 1975, chứ không phải dân di cư như khu thịt chó Ông Tạ, Xóm Mới.

Nhiều người thời nay không ăn thịt chó vì xem là thú cưng nghĩa tình với con người - Ảnh: YẾN TRINH

Nhiều người thời nay không ăn thịt chó vì xem là thú cưng nghĩa tình với con người - Ảnh: YẾN TRINH

Những quán cầy tơ dần dần lặng lẽ biến mất

"Nói thời cực thịnh của quán xá thịt cầy Sài Gòn thì tôi không dám chắc chính xác, nhưng có lẽ bắt đầu ở giai đoạn cuối thời bao cấp và những năm đầu đổi mới thập niên 1990. Khi người dân mới bắt đầu dễ thở hơn với cuộc sống, có chút tiền để tìm miếng ngon, vật lạ mà không quá mắc mỏ. 

Còn nói thời kỳ quán thịt cầy suy thoái dần ở thành phố này, tôi cho rằng bắt đầu từ khoảng cuối thập niên 2000. 

Giai đoạn này, kinh tế đã khá hẳn lên, quán xá hải sản, bò bê, dê cỏ xuất hiện khắp nơi. Người dân cũng ý thức ăn thịt cầy nhiều không tốt cho sức khỏe, dễ mắc gút...", ông Trần Văn Sâm, 78 tuổi, một người từng bán thịt cầy gần 20 năm ở cư xá Bắc Hải (quận 10), kể chuyện.

Theo ông Sâm, còn có nhiều lý do khác để quán thịt cầy thoái trào ở TP.HCM là báo đài giai đoạn đó bắt đầu đăng nhiều bài vở, chương trình về tình trạng ăn và không nên ăn thịt chó, vật nuôi gia đình, và dẫn chứng nhiều nước văn minh đã ý thức bảo vệ thú cưng này. 

"Rồi còn một nguyên nhân đặc biệt nữa là tình trạng bắt trộm chó bằng bã thuốc độc hại có nguồn gốc từ Trung Quốc bị báo chí phản ánh nhiều. Thêm cả chuyện nhiều người đau bụng phải đi cấp cứu sau khi ăn phải thịt cầy trúng bã chuột độc hại, làm cho chính dân khoái khẩu món này cũng dần chờn miệng, cảnh giác...", ông Sâm kể thêm.

Thực tế đúng như vậy. Người không ăn thịt chó có thể không quan tâm, nhưng các "tín đồ vitamin gâu gâu" thì thấy rõ hơn mươi năm trở lại đây các khu bán thịt cầy nổi tiếng ở TP.HCM dần dần thưa thớt, thậm chí lặng lẽ biến mất hẳn. 

Bây giờ, nhắc đến các quán xá nổi tiếng ở Ông Tạ, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Thị Nghè, cư xá Bắc Hải... chỉ còn trong ký ức. Người bán cũ, kẻ ăn xưa đi đâu, về đâu chẳng ai rõ.

Dân nhậu hàng U50 trở lên từng nhâm nhi đĩa cầy tơ nướng, tô rựa mận, giờ nhắc lại chỉ hoài nhớ những cái tên Hai Mơ, Hà Nội Phố đã lùi về quá vãng. Nhiều quán xưa giờ đã thành các tòa nhà sang trọng. 

Lớp trẻ sinh thời sau vào đây làm việc ngân hàng, công ty nước ngoài này nọ mà chỉ biết tròn mắt khi nghe ông bảo vệ già kể chuyện nơi này từng là lò giết chó hay là góc bếp nướng cầy thơm lừng ngày tháng cũ...

Ý kiến bạn đọc

- Tôi ăn chó không hề thấy ngon gì, mà chỉ đắng miệng, đắng lòng khi nghĩ hình ảnh mình về nhà thì chú chó luôn tíu tít ra vẫy đuôi chào mừng đầu tiên. Chủ giàu hay nghèo, sa cơ thất thế gì, chó cũng không bao giờ phản chủ. (Trần Mỹ)

- Có cầu thì có cung, chó không phải thực phẩm thiết yếu trong đời sống hằng ngày, nên việc xã hội nâng cao dân trí cũng khiến con người ta cân nhắc hơn về thứ nên và không nên ăn. Sự thật là đa số giới trẻ thành thị bây giờ không ăn thịt chó, thịt mèo hay thậm chí thịt thú rừng. (N.H.L)

- Con có thể chê cha mẹ khó, nhưng chó chưa bao giờ chê chủ nghèo. Anh nghèo gì thì nghèo, nó vẫn đi theo anh. Tôi hy vọng mọi người sẽ suy nghĩ về điều đó trước khi có ý định... (Nguyễn Thành Nghiệp)

-----------------

Chợ 19-12 hay còn được gọi là chợ Âm Phủ từng có món "mộc tồn" nổi tiếng. Khu chợ mang đầy màu sắc tâm linh này đã thành phố sách đẹp nhất thủ đô.

Kỳ tới: Chợ thịt chó xưa đã thành phố sách

Khi quán cầy tơ vắng dần - Kỳ 2: "Thủ phủ thịt chó" Nhật Tân nay còn đâuKhi quán cầy tơ vắng dần - Kỳ 2: 'Thủ phủ thịt chó' Nhật Tân nay còn đâu

Nhật Tân 20 năm trước từng như "thủ phủ thịt chó" với hàng chục quán xá đông nghẹt khách nhưng giờ không còn nữa.

Xem thêm: mth.78680653222803202-gnav-auq-nad-ad-nog-ias-nom-yab-ot-yac-3-yk-nad-gnav-ot-yac-nauq-ihk/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khi quán cầy tơ vắng dần - Kỳ 3: Cầy tơ bảy món Sài Gòn đã dần quá vãng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools