Chiều 23-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề "giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì TP xanh và thân thiện môi trường" giai đoạn 2023 - 2025.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng - phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho biết từ năm 2021 đến nay, địa phương đã tổng hợp được 201 điểm rác phát sinh và tái phát sinh. Chủ yếu rác thải phát sinh tại các khu vực đất trống xen cài trong khu dân cư; khu đất công chưa đưa vào sử dụng; đất trống dọc các tuyến đường giao thông; khu vực dưới chân cầu, dạ cầu; khu vực đất trống tại các nút giao.
Đặc biệt, tình hình rác thải tại khu đất trống trong các dự án chưa triển khai thực hiện xong. Trên địa bàn TP có 64 dự án chậm triển khai có phát sinh rác thải.
Qua đó, địa phương làm việc, kiểm tra, xử lý chủ đầu tư về việc thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường tại các dự án. Hợp tác với sinh viên của một số trường đại học tiến hành khảo sát thực tế, ghi nhận những điểm rác phát sinh.
Sử dụng flycam (drone) để kiểm tra và ghi nhận điểm rác phát sinh tại khu vực dự án có diện tích đất trống lớn hoặc sử dụng phần mềm GIS để cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh, tái phát sinh để dễ dàng quản lý và chỉ đạo xử lý kịp thời.
Nói về vấn đề đổ rác trộm, ông Nguyễn Trọng Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Grac - nhìn nhận tình trạng đang dần trở thành một thói quen khó bỏ với bộ phận người dân. Nhiều tuyến đường, công viên, gầm cầu, kênh rạch, đất trống dự án chưa triển khai... đều có thể trở thành bãi rác.
Nguyên nhân, chi phí thu gom xử lý rác cồng kềnh khá cao, người dân khó khăn trong việc đặt lịch thu gom rác cồng kềnh. Do đó, nhiều người sẵn sàng thuê xe ba gác chở rác cồng kềnh xa khỏi địa phương mình ở để đổ trộm.
Thói quen đổ rác trộm không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra nhiều tác hại cho môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người. Để giảm thiểu tình trạng đó, ứng dụng phát hiện hành vi đổ rác trộm đã ra đời.
Người dân khi phát hiện hành vi đổ rác trộm có thể gửi phản ánh, khiếu nại thông qua ứng dụng Grac. Dữ liệu sẽ được gửi về UBND phường và đơn vị thu gom rác tại địa phương để giải quyết và xử phạt theo quy định.
Tại hội nghị, Hoa hậu Môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà - đại sứ thiện chí Liên Hiệp Quốc - cho biết Gen Z chính là thế hệ sẽ định hình thái độ sống và môi trường sống của TP trong tương lai không xa. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền lối sống sạch sẽ, có ý thức, trân trọng môi trường để người trẻ hiểu đây chính là thành phố của họ, là nơi tuổi trẻ họ sẽ thật sự tươi đẹp và đáng sống nếu môi trường trong lành và an toàn.
Kết luận hội nghị, bà Trần Kim Yến - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - cho biết 35 bài tham luận tại hội nghị có thể chia thành 8 nhóm giải pháp nhằm thực hiện cuộc vận động người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường.
Trong đó, đáng lưu ý là nhóm giải pháp truyền thông, sử dụng các phương tiện thông tin, mạng xã hội cho từng đối tượng cụ thể và nhóm giải pháp áp dụng công nghệ kỹ thuật trong thu gom, quản lý, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa.
TP.HCM phát sinh nhiều “điểm đen” về rác thải
Đầu tháng 6, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã báo cáo cập nhật, bổ sung 171 điểm tồn đọng về rác thải. Trong đó có 102 điểm tái phát sinh, 38 điểm mới và 31 điểm chưa được dọn dẹp vệ sinh.
Các “điểm đen” rác thải phân bố trên địa bàn TP Thủ Đức, các quận 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn.
Trên cơ sở đó, sở đã kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện giải quyết dứt điểm tồn đọng trên địa bàn, duy trì chất lượng vệ sinh tại các điểm đã dọn dẹp và không để phát sinh điểm mới.
TP.HCM đã giải tỏa được 989 điểm ô nhiễm về rác thải, chuyển hóa 243 điểm thành công viên, vườn rau.